Cần điều chỉnh dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/4, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Toàn cảnh tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện DN tham dự cho rằng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có một số quy định chưa khả thi, chưa đánh giá đầy đủ tác động của luật. 
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Tiến Vỵ cho rằng, nếu thực hiện việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong dự thảo đưa ra thì chỉ khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn. Cũng theo ông Vỵ, hiện tại, ở Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp. Đáng nói, tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp này lên tới 910 triệu USD và khiến 441 triệu USD ngân sách Nhà nước bị thất thoát.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng luật hiện nay cần tập trung vào các vấn đề quản lý rượu do người dân tự nấu; tăng cường việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến việc sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa uống rượu, bia...

Theo kết quả điều tra của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hiện, ở nước ta, 75% lượng rượu tiêu thụ không kiểm soát được, trong khi lượng rượu này là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, gây thất thu ngân sách nhà nước.

PGS, TS. Lưu Bích Ngọc - Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị, trong quá trình xây dựng luật cần quan tâm đặc biệt tới quản lý rượu tự nấu chứ không chỉ tập trung chính sách quản lý vào 25% rượu có nhãn mác.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm việc đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe trong đó kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một quỹ cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, việc lập Quỹ Nâng cao sức khỏe này cần nghiên cứu thêm khi quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ. “Việc thành lập quỹ cần cân nhắc, đừng để nguồn lực của người dân bị phân tán. Nhất là khi khoản thu cho quỹ này như một khoản thu đặc biệt mà không có tên trên thế giới trong khi sự kiểm soát là rất kém” - ông Kiên nói.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, đã và đang tham gia các hiệp ước song phương, đa phương như CPTPP với sự đầu tư trong nước và nước ngoài ngày một tăng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với ngành rượu, bia trong quá trình hội nhập cần phải đánh giá đúng thực trạng để chính sách, pháp luật vừa tăng cường chức năng quản lý, kiểm soát. vừa thu huta đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.