Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần định danh lại mô hình chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, CLB Hà Nội (Hà Nội FC) chính thức được đổi thành tên mới là CLB Bóng đá Sài Gòn (Sài Gòn FC).

Đổi tên, đổi địa điểm đóng quân, Sài Gòn FC còn công bố luôn mô hình hoạt động mới, đó là DN đại chúng. Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình của Sài Gòn FC chính là cái đích mà bóng đá Việt Nam cần phải hướng đến nếu muốn có được sự phát triển bền vững.

Đội bóng nhiều ông chủ

Khi ở Hà Nội, Sài Gòn FC từng nuôi ý tưởng xây dựng một DN đại chúng. Họ muốn tìm kiếm thật nhiều nhà tài trợ nhằm tạo ra nhiều chân đế cho ngôi nhà bóng đá. Chính vì vậy, ban lãnh đạo đội bóng quyết định không gắn tên DN mà lấy tên mang nặng yếu tố địa phương là Hà Nội FC. Tuy nhiên, sau khi lên hạng V.League, Hà Nội FC vẫn không thể tìm ra những nhà tài trợ lớn và bán được cổ phần cho người hâm mộ (NHM). Cuối cùng, họ tìm đến TP Hồ Chí Minh - nơi có nhiều DN sẵn sàng đồng hành và địa phương này cũng chưa có đội bóng thi đấu ở giải chuyên nghiệp.
Trận Hà Nội thua HAGL 0-5 ở vòng 1 Toyota V-League mùa này
Trận Hà Nội thua HAGL 0-5 ở vòng 1 Toyota V-League mùa này
Bây giờ, Sài Gòn FC đã tăng được vốn từ 25 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Bên cạnh sự góp vốn của các thương hiệu mạnh như Trường Hải, Him Lam, Phương Trang, Trung Nam, Chiến Thắng, NHM cũng có thể trở thành ông chủ của đội bóng. Dự kiến, số cổ phần trị giá 25 tỷ đồng sẽ được bán cho NHM. Không biết số cổ phần này có được bán hết hay không, nhưng bản thân cách tiếp cận vấn đề rất mới này đã đẩy Sài Gòn FC vào một giai đoạn phát triển mới. Họ từ chỗ có một, hoặc một vài ông chủ thì giờ phải làm hài lòng rất nhiều ông chủ. Mô hình quản trị đội bóng cũng phải thay đổi theo hướng minh bạch hóa, hiện đại hóa. Mọi giao dịch, sự di chuyển của dòng tiền sẽ được kiểm toán và phải báo cáo thường xuyên lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

San sẻ niềm vui, cộng đồng trách nhiệm

Một trong những nguyên nhân căn bản khiến các đội bóng DN gặp khó, thậm chí bị giải thể là do khó khăn về kinh tế, hoặc các ông bầu không còn thiết tha với bóng đá. Một khi đội bóng được quyết định bởi một người thì việc tồn tại hay không tồn tại chỉ được quyết định sau một đêm. Và sau cơn biến động không ngừng của nền bóng đá, các nhà quản lý nhận ra rằng, mô hình đội bóng một ông chủ có quá nhiều hạn chế.

Đánh giá một cách tổng thể bức tranh của nền bóng đá, người ta nhận ra rằng, những đội bóng có nhiều ông chủ thì ổn định hơn. Các đội bóng ấy không phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí giải thể. Đặc biệt, với những đội bóng có sự góp mặt của cổ đông là địa phương thì sự ổn định luôn ở mức cao. Tuy nhiên, các đội bóng hoạt động theo mô hình Nhà nước và DN cùng làm thì rất khó có cơ chế thông thoáng về tài chính để nuôi tham vọng lớn.

Vậy nên, nhiều chuyên gia cho rằng, để một đội bóng phát triển mạnh và ổn định thì cần có sự tham gia của thật nhiều DN. Các DN được tập hợp để cùng nhau gánh vác trách nhiệm và san sẻ thành công của đội bóng. Có thể, một DN nuôi đội bóng rất khó nhưng nhiều DN thì lại khác. Vấn đề ở chỗ, phải có cơ chế để nhiều DN có thể tham gia đầu tư cho bóng đá. Bên cạnh đó, cuộc chơi phải thật sự trong sạch, chuyên nghiệp để các DN không cảm thấy mạo hiểm khi bỏ tiền vào bóng đá.