Thị trường bán lẻ Việt Nam 2024:

Cần giải pháp căn cơ để tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ vì vậy năm 2024, thị trường bán lẻ nội địa được nhận định sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp, nhất là với những đơn vị kinh doanh xuất khẩu khi những hoạt động này chưa phục hồi hoàn toàn.

Phát triển mạnh mẽ

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, năm 2023 nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế đều tăng chậm. Tuy nhiên, thị trường tiêu dùng nội địa vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực lên đến 9,6% so với năm 2022, đóng góp khoảng lớn vào tăng trưởng kinh tế năm 2023. Dự báo năm 2024 tiêu dùng nội địa vẫn là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, điều đáng nói trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa là hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước. “Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - bà Nga nêu ví dụ.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Winmart . 
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Winmart . 

Để đạt những kết quả trên, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã chủ động, linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp kinh doanh.

Phía các nhà sản xuất, ngoài việc đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng còn cam kết giữ mức giá ổn định mặc dù nguyên liệu đầu vào tăng nhưng chấp nhận giảm lợi nhuận để có giá tốt bán ra thị trường. Về phía doanh nghiệp phân phối, ngoài việc ký hợp đồng ổn định, dài hạn với nhà cung cấp, còn liên tục thực hiện các đợt khuyến mãi, giảm giá luân phiên theo từng nhóm hàng để kích cầu sức mua.

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, thời gian qua, một số nhà cung cấp hàng đã gửi đề nghị tăng giá do chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên với chủ trương giữ giá, Co.op Mart yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh ảnh hưởng trực tiếp của chi phí đầu vào tới giá thành sản phẩm mới xem xét điều chỉnh giá. Dù vậy, việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy việc thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ nên nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành mảnh đất đầy tiềm năng thu hút các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư. Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Shiguro Norihiko thông tin, gần như 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Nguyên nhân là do  dân số Việt Nam đang đứng thứ 3 ASEAN và dự đoán sẽ vượt Nhật Bản trong tương lai. Cùng đó mức thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70% khiến thị trường này có sức hấp dẫn về tiêu dùng.

 Cần chính sách dài hạn

Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được Công ty tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney xếp thứ 9/35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI). Về quy mô đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo sẽ cán mốc 350 tỷ USD trong năm 2025.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 nền kinh tế thế giới sẽ chưa thể phục hồi nên hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khó vì vậy thị trường nội địa sẽ là đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, năm 2023, rất nhiều chính sách tài chính, tài khóa cho doanh nghiệp cũng như giảm thuế VAT cho người tiêu dùng đã được đưa ra nhằm kích cầu kinh tế, kích thích tăng trưởng bán lẻ.

Song năm 2024 cần tăng cường chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng từ đó thu hút doanh nghiệp mở rộng hệ thống bán lẻ. Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, năm 2024 ngành du lịch Việt Nam dự kiến đón 16,4 triệu lượt khách quốc tế tăng 30% so với năm 2023, khách du lịch nội địa tăng 7% qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí, giúp nhu cầu tiêu dùng cải thiện đáng kể.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Winmart . Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Winmart . Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi sự liên kết của các ngành, các hiệp hội như du lịch kết hợp với thương mại để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. “Để làm được điều này cần những chính sách vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng”-ông Bình kiến nghị.

Trong khi đó, theo Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS Nguyễn Đình Thiên, mặc dù nhà nước đã giảm thuế VAT nhưng chính sách nàyế cần giảm với lộ trình đủ dài từ 1-2 năm từ đó tạo ra động lực cho thị trường, thay vì giảm 6 tháng/ lần. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là thuế thu nhập cá nhân do loại thuế này đã lạc hậu so với mức chi tiêu hiện nay.

“Thị trường nội địa luôn là bệ đỡ cho các doanh nghiệp Việt trong mọi tình huống. Do vậy, cần chú trọng phát triển thị trường này hơn nữa bằng những chương trình kích cầu một cách hiệu quả, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người dân. Năm 2024 phải quan tâm đến thị trường trong nước như là một lực lượng để bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc”-ông Thiên nhấn mạnh.