Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần hơn 34.000 tỉ đồng cho Đề án đổi mới sách giáo khoa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông là một việc hệ trọng, tác động sâu sắc đến hệ thống giáo dục, đến xã hội, từng gia đình.

Sáng 14/4, phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc, xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Bộ GDĐT thay mặt Chính phủ soạn thảo.

Đa số các ý kiến trong UBTVQH đều nhấn mạnh, việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một việc hệ trọng, tác động sâu sắc đến hệ thống giáo dục, đến xã hội, từng gia đình vì vậy việc xây dựng Đề án cần hết sức thận trọng, bảo đảm tính khả thi cao nhất ở mỗi nội dung.
Cần hơn 34.000 tỉ đồng cho Đề án đổi mới sách giáo khoa - Ảnh 1

Vì vậy, hồ sơ trình ra Quốc hội cần bổ sung đầy đủ các đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 40/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã thực hiện 14 năm qua, đặc biệt, có báo cáo riêng về đánh giá tác động khi dự thảo Nghị quyết, Đề án đi vào thực hiện.

Một số vấn đề lớn được UBTVQH đặc biệt quan tâm góp ý là: Định hướng đổi mới SGK phổ thông phải bám sát thực tiễn của đất nước; coi trọng giáo dục toàn diện đối với học sinh; đảm bảo tính thống nhất của chương trình nhưng cũng có những vận dụng đặc thù đối với các vùng văn hóa, dân tộc khác nhau; gắn với đào tạo hướng nghiệp và các kỹ năng sống.

Các đại biểu cũng thống nhất cao với quan điểm cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn, đồng thời dành thời lượng hợp lý cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền. Tuy vậy, cần hướng dẫn và giao trách nhiệm cho các địa phương và cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu về phần bổ sung và về nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, vùng miền.

Việc đa dạng hóa SGK phổ thông được định hướng theo mô hình hiện đại “một chương trình chuẩn, nhiều bộ SGK” được đa số ý kiến đồng tình song cần có bộ chương trình chuẩn đủ chi tiết với những chuẩn kiến thức, kỹ năng cụ thể và những phẩm chất cần thiết khác đồng thời cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá SGK.

Với dự kiến kinh phí để thực hiện chương trình tới hơn 34.000 tỷ đồng nên nhiều ý kiến trong UBTVQH yêu cầu tăng cường xã hội hóa, thay đổi trong phương thức quản lý, triển khai Đề án so với các lần trước.

Theo dự kiến, các nội dung của dự thảo Nghị quyết, Đề án này sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện để tháng 6/2014 trình QH xem xét, cho ý kiến.