Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, qua lấy ý kiến đại diện của 300 DN, cộng đồng DN chưa đồng tình với các quy định trong Dự luật. Bởi đây là Dự luật quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Chính phủ nhưng lại chưa đáp ứng được tinh thần thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp.
Theo ông Lộc, cần có chính sách hỗ trợ cho việc chuyển từ hộ kinh doanh thành DN. Ví dụ giảm tần suất kê khai thuế, giảm báo cáo thuế, báo cáo kế toán, mẫu biểu quy trình, bỏ kê khai hàng năm vì đó chỉ dành cho DN Nhà nước. Đồng thời, không thể quy định chung chung là có mức thuế thấp hơn DN khác, ví dụ cần quy định giảm 2 - 3% so với DN khác để họ còn biết.Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, mong muốn đưa hộ kinh doanh phát triển thành DN, nhưng có 2 nội dung quan trọng không nói đến. Ví dụ hộ kinh doanh khó khăn cần vay vốn nhưng rất khó tiếp cận vốn vay, họ thường phải vay nóng, tín dụng đen. Vậy hộ kinh doanh phát triển thành DN được vay vốn bao nhiêu? Rồi mặt bằng sản xuất, sao Nhà nước không hỗ trợ đầu tư nhà xưởng rồi cho thuê lại.Trong phiên họp, nhiều tranh luận đã được đưa ra xung quanh Điều 30 trong dự thảo Luật, quy định về trách nhiệm liên quan đến DNNVV, trong đó có trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội, ngành nghề. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rà soát Điều 30 để không ảnh hưởng chức năng của VCCI.Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, UBTV Quốc hội thống nhất với 3 tiêu chí đánh giá phân loại DN như: Doanh thu, vốn, lao động, riêng trần lao động là 200 lao động là hợp lý, nhưng cần tham gia bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi của người lao động và đề cao trách nhiệm của giới chủ sử dụng lao động. Đồng tình về các mức hỗ trợ nhưng cần có trọng tâm trọng điểm, có thời gian và phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện chung của đất nước.