Tự hào được đón Bác
7 thập kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện Bác Hồ về sống và làm việc trong vòng 19 ngày đêm (từ 13/1 – 2/2/1947) vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân xã Cần Kiệm nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung. Những câu chuyện về vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc được người dân nhắc đến với một niềm tự hào xen lẫn xúc động.
Ông Kiều Văn Mạo, 77 tuổi, thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm chia sẻ, dù không trực tiếp được gặp Bác Hồ, song ông luôn cảm thấy tự hào vì quê hương đã góp phần bảo vệ an toàn cho Bác trong thời gian hoạt động cách mạng bí mật tại đây.
Là thế hệ trẻ, song đối với chị Nguyễn Thị Lũy, cán bộ quản lý di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ, xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, những câu chuyện về Bác trong thời gian lưu lại ở đây 70 năm trước đã trở thành “gia tài” quý báu không có gì so sánh được. Vốn là hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Đình Khuê (tức cụ Quỹ) - người đã dành căn nhà tranh của gia đình cho Bác Hồ ở từ tối 13/1/1947 sau khi rời Xuyên Dương trở về, nên chị Lũy được nghe kể lại nhiều thông tin, tư liệu quý về Bác. Một trong những câu chuyện mà chị rất ấn tượng là tinh thần lao động hăng say của Bác. Ấy là mỗi khi vào giờ giải lao, Bác lại ra vườn chăm sóc mấy luống rau. Đến lúc thu hoạch, Bác không quên mang rau đến tặng chủ nhà. “Càng tìm hiểu về Bác, kể chuyện về Bác, tôi càng cảm thấy xúc động và tự hào vì được gắn bó với nơi lưu dấu chân của vị lãnh tụ đáng kính” – chị Lũy tâm sự.
Những ngày này, trên các tuyến đường chính của xã Cần Kiệm đều trang trí băng rôn, cụm pano, khẩu hiệu chào mừng sự kiện 70 năm Bác Hồ về sống và làm việc tại đây. Điều này cho thấy sự kiện đó có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng đối với địa phương. Lãnh đạo xã Cần Kiệm cũng khẳng định, 19 ngày đêm Bác sống và làm việc tại đây là một “mốc son vàng” trong lịch sử, là động lực để địa phương phát huy truyền thống, xây dựng quê hương phát triển.
Đoàn kết để phát triển
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng lừng lẫy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân lưu lại ở rất nhiều nơi. Mỗi địa điểm in dấu chân Bác, mỗi lời Bác dạy đều là động lực cho chính quyền và Nhân dân địa phương ra sức phấn đấu. Ở xã Cần Kiệm cũng vậy, may mắn được Bác chọn làm nơi hoạt động cách mạng và họp bàn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng này đã tích cực phát huy tinh thần đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội. Giờ đây, về Cần Kiệm, đã thấy hình ảnh một xã nông thôn mới điển hình với hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa sạch sẽ, nhà cửa xây dựng khang trang, đời sống người dân ấm no, đủ đầy.
Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ phấn khởi cho biết, nhớ lời Bác dạy, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn đặt nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất, hết lòng chăm lo cho Nhân dân lên hàng đầu. Nhờ có sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân, Cần Kiệm đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó như dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn… Từ một xã có ruộng đất manh mún, xã đã vận động Nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa đạt 100% kế hoạch với hơn 160ha và hiện nay đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 70%. Qua đó, địa phương có điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả canh tác.
Với sự chung tay góp sức của Nhân dân, đến nay, xã Cần Kiệm đã cơ bản bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn và đào đắp, cứng hóa nhiều tuyến kênh mương, giao thông nội đồng. Người dân các thôn xóm cũng tự đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng, tu bổ các công trình văn hóa tâm linh. Nhờ đó, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Dẫn chứng thêm về tinh thần đoàn kết, ông Võ cho biết, do ảnh hưởng của liên tiếp cơn bão số 1, số 2, số 3 trong năm 2016, nhiều đoạn đê bao trên địa bàn bị rạn nứt, sạt lở, có nguy cơ vỡ. Tuy nhiên, với sự tham gia tích cực của các lực lượng và Nhân dân, địa phương đã kịp thời gia cố đê, không để xảy ra sự cố đáng tiếc…
Năm 2016, tổng giá trị sản xuất của xã Cần Kiệm đạt hơn 370 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,3 triệu đồng/người. Xã có 5/6 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa (83,3%). |