Đáng chú ý tại đây, Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm - Thượng tá Phạm Trọng Kim cho biết: Là một quận mới thành lập, hiện các phường thuộc quận đang quản lý 140 đối tượng hưởng án treo, 21 đối tượng chấp hành án cải tạo không giam giữ và 807 đối tượng chấp hành xong án phạt tù.
|
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Trong điều kiện Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự & Hỗ trợ tư pháp (THAHD&HTTP) Công an quận có biên chế chỉ 17 cán bộ chiến sĩ và 12 chiến sĩ nghĩa vụ, trong đó 5 cán bộ nữ, 5 đồng chí đang theo học hệ vừa học vừa làm, nên việc bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị gặp nhiều khó khăn, cán bộ làm công tác THAHS phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Trong khi đó, ông Kim cũng nhận định, cấp ủy chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức tới công tác này tại các phường cũng như với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù; các quy định về chế tài xử lý người chấp hành án không chấp hành các biện pháp quản lý của chính quyền địa phương còn chung chung, khó thực hiện, nhất là các biện pháp xử lý những đối tượng chưa chấp hành hết nghĩa vụ THA hay trường hợp bỏ đi khỏi địa phương không rõ nơi đến. Bên cạnh đó, “hiện điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho tổ chức THAHS tại cấp phường chưa được quan tâm thỏa đáng, nhất là vẫn chưa có nguồn kinh phí nào dành cho công tác quản lý giáo dục đối tượng THAHS và đối tượng chấp hành xong án phạt tù, cũng như kinh phí hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tạo việc làm. Ngoài ra, trong cộng đồng còn tư tưởng miệt thị với những đối tượng này, nên khó cho họ tìm được việc làm tốt”, ông Kim nhấn mạnh.
Vì vậy, trao đổi với đoàn giám sát, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm cho rằng TP cần ban hành văn bản chỉ đạo UBND các cấp thực sự vào cuộc nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHS, có chế tài trách nhiệm với những lãnh đạo không quan tâm, thiếu sâu sát trong công tác THAHS. Các cơ quan Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan THAHS và các tổ chức chính trị xã hội cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, kiểm tra hướng dẫn và thực hiện Luật THAHS.
Bên cạnh đó, đối với T.Ư, quận kiến nghị có sự nghiên cứu để đánh giá, xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan THAHS thống nhất, kiện toàn chức danh các cơ quan THAHS Công an Nhân dân. Cùng với chú trọng đào tạo bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ THAHS tại xã, phường, cần đề xuất quy định chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác này và cho người được phân công trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án.