Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần mạnh tay dẹp xe tự chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian bị cấm, gần đây, xe tự chế xuất hiện nhiều trên đường phố Hà Nội gây mất ATGT và mỹ quan đô thị.

“Xe vua” tự chế

Những chiếc xe ba bánh, bốn bánh, xe “đầu kéo” với những ưu thế riêng đã luồn sâu được vào trong các ngõ ngách, chi phí rẻ phù hợp với nhu cầu của người dân nên vẫn còn đất sống. Có thể nhận thấy, các xe này đều không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, lại thường xuyên chở hàng hóa cồng kềnh, gây ùn tắc mất ATGT. Ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Trương Định quận Hai Bà Trưng) lo lắng: Các xe tự chế được thiết kế sơ sài, không đăng ký, đăng kiểm, không ai quản lý. Vì thế khi lưu thông trên đường gây ra sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Không những thế ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của lái xe kém nên rất dễ gây ra TNGT.
Xe tự chế bon bon trên đường.
Xe tự chế bon bon trên đường.
Do đó, mỗi khi ra đường không khó để bắt gặp các xe tự chế là thấy ngay cảnh chở hàng quá khổ, quá tải, vượt, lạng lách, đánh võng, leo vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, khiến nhiều người tham gia giao thông dẫu có khó chịu nhưng đều phải… né. Tránh voi chả xấu mặt nào!!!".

Tại các cung đường Hà Nội (đặc biệt khu ven đô, nơi có nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng), thường xuyên xuất hiện loại phương tiện này. Hầu hết xe tự chế khi hoạt động trên đường, lái xe đều tranh thủ lúc đường vắng, phóng thật nhanh để thoát các chốt CSGT tuần tra. Anh Nguyễn Văn Thủy (Giao Thủy, Nam Định), lái xe ba gác trên đường La Thành cho biết: “Trước khi chưa cấm thì chạy vô tư, mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Nhưng thời gian gần đây, Công an làm gắt, có chở hàng cồng kềnh thì tranh thủ nhá nhem tối, chạy những đường không có chốt CSGT. Còn theo Tuấn (lái xe, ở huyện Quốc Oai) "tiết lộ", trước đây, anh làm thợ xây, công việc phập phù, chắt bóp lắm thì mỗi tháng cũng chỉ đưa cho vợ tầm 4 triệu đồng. Từ cuối năm 2013, anh được người quen "tư vấn" nên xoay ra làm nghề "vận chuyển" hàng hóa cồng kềnh cho một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Lạc Long Quân. Đầu tư chiếc xe máy hơn 3 triệu đồng, mỗi tháng ăn "lương cứng" 4 triệu đồng, ngoài ra mỗi "cuốc" chở hàng kiếm thêm từ 40.000 - 120.000 đồng, xăng dầu thì chủ cửa hàng chịu. Tính ra mỗi tháng Tuấn kiếm không dưới 10 triệu đồng mà lại không phải chịu cảnh ăn ở công trường và chân lấm tay bùn như nghề thợ xây!

Trong vai chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, chúng tôi đã đặt vấn đề với một người chuyên làm xe tự chế, anh này cho biết: Nếu có nhu cầu, chỉ cần 4 triệu đồng (đặt trước 500.000 đồng), 2 ngày sau sẽ có xe. Đảm bảo khung chịu tải tốt, bánh nhẹ, lốp bon. Nếu chạy hàng "siêu trường" thì có nấc kéo dài; Chở hàng "siêu trọng" thì đóng thụt vào - tha hồ chịu tải mà lại gọn nhẹ.

Khi đi thực tế lấy tư liệu cho bài viết này, nhiều lái xe tự chế cho biết, để trụ được hàng tháng đều phải đóng "hụi" 500.000 đồng cho cánh bảo kê. Bởi hầu hết các tuyến phố nội thành đều cấm xe tải hoạt động ban ngày, do đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa cồng kềnh bằng xe tự chế là rất lớn.

Thực hiện nghiêm quy định của Luật

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung công quỹ”. Sau khi Nghị quyết số 32 có hiệu lực pháp luật, tình trạng xe tự chế đã được hạn chế, nhưng hiện nay tình trạng xe tự chế ngang nhiên hoạt động trên đường đang có chiều hướng gia tăng. Bởi đặc điểm của loại xe này là giá thành rẻ, nếu có bị bắt giữ, người điều khiển sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.

Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, xe tự chế lưu hành mất ATGT ai cũng biết, Nghị quyết của Chính phủ đã quy định rõ, tuy nhiên, do người thi hành công vụ làm không quyết liệt nên vi phạm mới tái diễn. Cứ bắt triệt để thì từ chủ xe đến người lái thuê sẽ phải nghiêm chỉnh chấp hành. Bởi để "độ" được một xe tự chế mất vài triệu đồng, nếu bị bắt giữ xe thường xuyên người vi phạm sẽ phải sợ. Ông Nguyễn Đình An (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) - một nạn nhân do tai nạn từ xe tự chế bức xúc nói: “Không hiểu sao pháp luật đã cấm triệt để loại xe này rồi mà các lực lượng chức năng vẫn “tha” cho những người lưu hành loại xe này. Theo tôi, các lực lượng chức năng phải kiên quyết bắt triệt để loại phương tiện này. Chỉ cần làm “rắn” một thời gian chắc chắn sẽ có sự chuyển biến…”.

Luật sư Lê Vinh (Văn phòng Luật sư Văn Chương - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, ngoài việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền vận động (cả chủ xe lẫn người làm thuê) để họ hiểu rằng việc sử dụng các phương tiện nói trên vừa mất ATGT, vừa mất mỹ quan đô thị. Dần dần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các đối tượng nói trên. Có như vậy mới mong một ngày trên đường phố Thủ đô "vắng bóng" dần các loại xe được coi là "vua" và những "người vận chuyển".