Với những quy định “cấm” chặt chẽ liên quan đến việc tặng và nhận quà tặng được đưa ra, nhiều kỳ vọng về sự liêm chính thực sự trong đội ngũ cán bộ, công chức đã được nghĩ đến.
Trong đời sống hàng ngày, tặng quà vốn là một nét đẹp văn hóa, nhằm tăng cường lòng tin và sự gắn bó với nhau. Tuy nhiên, với những biến tướng tiêu cực, việc này nhiều khi trở thành hành vi hối lộ, cơ hội cho tham nhũng. Mặc dù pháp luật đã có quy định quà tặng ở mức bao nhiêu thì cán bộ không được nhận, nhưng thực tế, việc thực thi vẫn khó khăn.
Thực tế, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn diễn ra rất phức tạp, tinh vi, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện sai phạm, cũng rất ít trường hợp bị xử lý kỷ luật.
Nhìn ra các nước có thể thấy, ngay cả những quốc gia vốn có hệ thống quản lý hành chính hiện đại, vấn đề tặng quà cũng được quy định một cách chặt chẽ, tránh “bỏ sót kẻ hối lộ”. Trong đó, quy định rõ trị giá quà tặng từ bao nhiêu trở lên thì người được tặng quà phải báo cáo và nộp lại cho cơ quan, tổ chức.
Công chức hay người lao động không được nhận các món quà từ cá nhân, tập thể khác dù theo quan hệ cá nhân hay theo quan hệ công việc nếu món quà đó có giá trị và không đúng các nguyên tắc luật định. Ngay cả nguyên thủ nhiều nước, khi nhận những món quà tặng ngoại giao cũng đều phải khai báo theo đúng quy định, không có ngoại lệ... Qua đó cho thấy sự chặt chẽ ở các quy định liên quan đến vấn đề này là rất cần thiết.
Không phải tới Luật Phòng, chống tham nhũng mới này, quy định nghiêm cấm tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi mới được nhắc đến, mà đã nhiều lần được chấn chỉnh, lưu ý trong nhiều quy định, nhiều “lệnh cấm” được ban hành. Trong đó, thể hiện sự quyết liệt bằng các giải pháp cụ thể từ kiểm soát quyền lực đến mở số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác.
Với Nghị định của Chính phủ lần này, những quy định tiếp tục được làm rõ hơn. Cơ quan nhà nước, người có chức vụ chỉ được sử dụng tài chính, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại. Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định và phải hạch toán, công khai. Cơ quan Nhà nước và người có chức vụ không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến công việc... Đồng thời nhấn mạnh, người đứng đầu các cơ quan để xảy ra vi phạm trong việc nhận và xử lý quà tặng sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật...
Nhưng sau những quy định đã được ban hành ấy, rất cần một chữ “nghiêm” trong thực thi. Đó là quan điểm được nhiều người chỉ ra. Bởi nếu không có cơ chế thật nghiêm trong thực thi và bộ máy giám sát chặt chẽ bằng các biện pháp cụ thể, thích đáng, nhất là không khơi dậy được tính tự giác thì đây vẫn là chuyện “nói mãi”, khó khả thi. Để thực hành chữ "nghiêm" ấy, trước hết, lãnh đạo phải nêu gương với các quy định của Luật, chấp hành nghiêm để lan tỏa đến cấp dưới. Và hơn thế, cần phải làm cương quyết và thường xuyên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương. Vì để thay đổi một thói quen vốn xuất phát điểm là truyền thống văn hóa, chỉ có điều đã bị biến tướng và lạm dụng không hề đơn giản, dù đã có Luật.