Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc các giải pháp học và thi THPT quốc gia

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm nhẹ chương trình, đẩy mạnh dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, rút ngắn thời gian học... là những giải pháp được ngành GD&ĐT đưa ra để ứng phó với dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Học sinh THPT học trực tuyến để phòng tránh dịch Covid-19. Ảnh: Dũng Tiến
Chỉ nên điều chỉnh nội dung kiến thức
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình. Và nhấn mạnh, rà soát giảm nhẹ chương trình nhưng phải bảo đảm chất lượng; không thực hiện tinh giản cơ học mà giảm bớt những nội dung thật sự không cần thiết. Chia sẻ về việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020, Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) Vũ Thị Phương Anh cho biết: Khung thời gian do Bộ GD&ĐT điều chỉnh vẫn bảo đảm thời lượng dạy học.
Vấn đề nóng hổi hiện nay là làm thế nào để HS không đến trường nhưng vẫn tiếp tục học. Hiện nay, chưa tới 20 tỉnh, TP triển khai dạy học trên truyền hình. Ngoại trừ TP Hà Nội dạy cho HS bài mới, các tỉnh còn lại chỉ ôn kiến thức, coi dạy học từ xa không thay thế được trực tiếp. Bộ GD&ĐT và Bộ TTTT và các tỉnh, TP cần chỉ đạo đài truyền hình các tỉnh phát chương trình dạy HS từ lớp 1 đến 12.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Lê Viết Khuyến
Thời gian qua, với khối lớp 12, những môn HS không thi được nhà trường tăng cường dạy học trực tuyến thí điểm, là biện pháp giúp các em hào hứng và thích hơn.... Việc dạy trực tuyến những môn này có những đổi mới giúp đẩy nhanh dạy bù sẽ trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn, không gây áp lực cho HS. Và, nhà trường sẽ tập trung vào những môn HS chuẩn bị thi. Trường chỉ giảm tải như vậy, không cắt xén; vì trong chương trình thi giới hạn đến đâu nhà trường dạy đầy đủ đến đó. Cho rằng môn học nào cũng quan trọng, nếu cắt Thể dục, giữ Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa cũng không thuyết phục, vì thế, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie Nguyễn Xuân Khang nêu ý kiến vẫn nên duy trì các môn học, chỉ giảm bớt nội dung trong chừng mực.
Và, có thể giảm bớt thời gian rèn luyện kỹ năng nhưng vẫn bảo đảm theo yêu cầu của chương trình. Theo quan điểm của Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Quốc Bình, nếu trung tuần tháng 4, HS đi học trở lại thì không nên cắt xén chương trình giảng dạy. “Chỉ điều chỉnh nội dung kiến thức theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, như đã nêu trong Công văn số 4612 năm 2017 là tinh giản kiến thức phù hợp với điều kiện thức tế của thời gian năm học” – ông Bình nhấn mạnh.
Giảm bớt môn, học đến đâu thi đến đó
Nhìn nhận thực tế hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm – Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục cho rằng, việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia là giải pháp tích cực và phù hợp. Nếu hết tháng 3, HS đi học trở lại, kế hoạch của Bộ GD&ĐT thực hiện được. Tuy nhiên, thi tốt nghiệp THPT phải thay đổi so với mọi năm, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu của giáo dục. “Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải lùi thời gian thi THPT quốc gia đến từ ngày 8 - 11/8, mà cuối tháng 7 có thể tổ chức được vì chương trình học đã rút gọn. Nội dung thi tập trung vào khối kiến thức trọng tâm, các kỹ năng cần thiết. Đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT quản lý, nên tổ chức các cụm thi nhỏ và bảo đảm nghiêm túc, giám sát bằng công nghệ với những quy trình chặt chẽ” – ông Tùng Lâm lưu ý.
Về việc, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình, khi HS trở lại trường có thể kiểm tra kết quả để kế thừa việc dạy và học, là giải pháp tích cực và năm học 2019 – 2020 vẫn có thể hoàn thành đạt chất lượng. Nêu quan điểm này, nhưng ông Xuân Khang cũng đề nghị, trong tình hình chống dịch Covid-19 như chống giặc, giai đoạn này là thời chiến nên Bộ GD&ĐT quy định kỳ thi THPT quốc gia 2020 chỉ thi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ; bỏ các bài tổ hợp, nội dung thi điều chỉnh theo thực tế. Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc học về lâu dài vì thế nội dung thi cần được điều chỉnh học đến đâu thi đến đó. Biết rằng, thi cử là rất áp lực, mệt mỏi, căng thẳng cho HS, gia đình, nhà trường, xã hội nhưng việc duy trì kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết.