* Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giảm tối đa tác động ảnh hưởng môi trường
Đó là nội dung được bàn luận tại hội thảo về phát triển đập thủy điện do Ủy ban Thế giới về Đập (WCD) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức sáng 8/11.
Công trình thủy điện Nam Khánh (Lào Cai).
Hai dòng lợi ích
Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 34 công trình thủy điện vừa và lớn đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt 8.740 MW; 86 nhà máy thủy điện nhỏ, công suất 475 MW. Sản lượng điện hằng năm chiếm 35 - 40% trong cơ cấu nguồn năng lượng của cả nước. Các đập thủy điện cũng góp phần quan trọng vào việc phòng chống lũ cho vùng hạ lưu, cung cấp nước tưới/sinh hoạt… Cùng với đó, thủy điện vẫn sẽ nằm trong trọng tâm phát triển của ngành năng lượng tới năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại cho nền kinh tế, các đập (ở tất cả các quy mô) đều có những tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái, văn hóa xã hội và điều kiện sống của nhiều triệu người dân.
Một ví dụ rất thực tế đã được ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ tại hội thảo, có liên quan tới những tác động tiêu cực mà hệ thống thủy điện Na Hang gây ra. Ngay trong việc di dân tái định cư đến vùng kinh tế mới đã có không ít hộ dân không thể, không biết tái sản xuất như thế nào, và hiện 40% số gia đình vẫn thuộc hộ nghèo. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ hồ diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ngày càng lớn tới kết cấu của các công trình lân cận…
Nhiều chuyên gia nhận định, những tác động tiêu cực này sẽ lớn hơn rất nhiều nếu các công trình đập nước được đề xuất và xây dựng không vì lợi ích của cộng đồng và bỏ qua nhiều yêu cầu kỹ thuật, kinh tế...
Hướng đi cho tương lai
Để đưa ra được kết luận liệu có nên tiếp tục xây dựng đập nữa hay không và nếu "nên", cần phải làm gì để các đập giảm thiểu các tác động tiêu cực do nó gây ra cho con người. WCD đã nghiên cứu, tham vấn và đưa ra " 7 Nguyên tắc Chiến lược về phát triển đập thủy điện". Đây được xem như là một trong những "liệu pháp" tốt mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm giúp bảo vệ các dòng sông, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Vũ Trung (Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường) nhấn mạnh, việc tiến hành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cần là một căn cứ quan trọng trong việc đề xuất xây dựng các công trình đập thủy điện. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Ví như việc ĐTM đều do các nhà đầu tư thực hiện là chưa thực sự minh bạch, nhưng đó lại là cách làm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguyên do là bởi chi phí để tiến hành ĐTM rất lớn. Ông Trung khuyến nghị, nên thành lập một cơ quan ĐTM chuyên biệt. Đơn vị này có thể thay thế Nhà nước trong việc ĐTM, và các nhà đầu tư sẽ phải trả phí để đơn vị này thực hiện công tác ĐTM.
Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu bày tỏ quan điểm, hiện tại các đập thủy điện thường đứng trên lợi ích chung của Nhà nước hơn là ý nghĩa đối với đời sống người dân. Chính bởi vậy, trong quá trình tiến hành dự án, việc quan tâm lấy ý kiến góp ý, đề xuất và hành động đứng trên vị trí của người dân là điều rất quan trọng.
* Trước nhiều ý kiến còn gây tranh cãi về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhất là báo cáo về đánh giá tác động môi trường, sáng 8/11, trong buổi họp báo tại Hà Nội, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư) khẳng định, chủ đầu tư đã tính toán kỹ, với quan điểm đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, hai dự án này đã giảm tối đa những tác động ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên và môi trường xung quanh.
PGS. TS Nguyễn Văn Phước, Viện Tài nguyên và Môi trường (đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động về môi trường của dự án) cho biết, đã tiến hành khảo sát thực địa, đo đạc, thu thập dữ liệu và mẫu vật, tính toán phân tích kỹ ảnh hưởng, tác động của công trình đến môi trường, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, chế độ thủy văn ở sông Đồng Nai, đa dạng sinh học, công tác bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ…
Nguyên tắc Chiến lược về phát triển đập thủy điện của WCD 1. Nhận được sự chấp thuận của công chúng 2. Đánh giá toàn diện các phương án có thể thực hiện 3. Đánh giá hiệu quả hệ thống đập hiện có 4. Bền vững cho dòng sông và sinh kế 5. Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích 6. Đảm bảo sự tuân thủ các quy định/nguyên tắc phát triển 7. Sử dụng các dòng sông vì hòa bình, ổn định và an ninh. |