Cân nhắc khi lựa chọn thị trường XKLĐ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàn Quốc vốn là một trong những thị trường XKLĐ thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người lao động (NLĐ), nhờ chi phí thấp (khoảng 700 USD/người) nhưng thu nhập cao (bình quân 1.000 USD/tháng).

KTĐT - Hàn Quốc vốn là một trong những thị trường XKLĐ thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người lao động (NLĐ), nhờ chi phí thấp (khoảng 700 USD/người) nhưng thu nhập cao (bình quân 1.000 USD/tháng). Tuy thế, đây cũng là thị trường gây thất vọng nhất đối với NLĐ do chỉ tiêu tuyển dụng thấp, rất khó được tuyển chọn.

Một số thay đổi trong chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của các thị trường có lợi cho lao động VN.

Theo kế hoạch, năm 2010, xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN phấn đấu đạt chỉ tiêu đưa 85.000 lao động ra nước ngoài. Vấn đề cần quan tâm là sau giai đoạn trì trệ của XKLĐ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thì nên chọn thị trường nào, thời điểm nào xuất cảnh cho phù hợp.

Đừng quá hy vọng thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc vốn là một trong những thị trường XKLĐ thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người lao động (NLĐ), nhờ chi phí thấp (khoảng 700 USD/người) nhưng thu nhập cao (bình quân 1.000 USD/tháng). Tuy thế, đây cũng là thị trường gây thất vọng nhất đối với NLĐ do chỉ tiêu tuyển dụng thấp, rất khó được tuyển chọn.

Năm 2009, nước này chỉ cấp hạn ngạch tuyển dụng 17.000 lao động nước ngoài cho 15 quốc gia. Dự kiến tháng 2 tới, Bộ Lao động Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng năm 2010. Dù vậy, theo thông tin mà chúng tôi có được, hạn ngạch tuyển dụng  năm nay không cao hơn năm 2009 và số lao động VN sang Hàn Quốc cũng chỉ khoảng 5.000 người. Nguyên nhân là do số lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc đã xấp xỉ mức khống chế tối đa.

Hiện tại, ngoài 6.000 hồ sơ của NLĐ chưa được tuyển chọn, còn có hàng chục ngàn lao động đã được các địa phương tập trung ôn luyện tiếng Hàn từ giữa năm 2008 đến nay đang chờ thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn EPS-KLT nhưng không biết bao giờ mới được tổ chức. Theo Phòng Thông tin tuyên truyền Cục Quản lý Lao động ngoài nước, NLĐ không nên đổ dồn hy vọng vào thị trường Hàn Quốc mà có thể chuyển nguyện vọng tìm các thị trường phù hợp khác.

Cẩn trọng chọn thời điểm sang Nhật, Đài Loan

Năm 2009, cả nước có 21.677 lao động sang Đài Loan làm việc, chiếm 30% trong tổng số lao động đi XKLĐ cả năm. Dự kiến sẽ có khoảng 30.000 lao động sang Đài Loan trong năm nay.

NLĐ nên chọn thị trường Đài Loan vì thu nhập khá (lương cơ bản 17.280 Đài tệ - khoảng 10 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm xuất cảnh cần phải cân nhắc. Được biết, từ ngày 1-1-2010, Đài Loan điều chỉnh  thuế thu nhập, quy định những người cư trú dưới 183 ngày/năm nếu có thu nhập hằng tháng gấp 1,5 lần lương cơ bản (khoảng 25.920 Đài tệ) sẽ bị nộp thuế thu nhập 18%; nếu cư trú trên 183 ngày chỉ phải nộp 6%. Do vậy, để tránh bị nộp thuế cao, NLĐ nên chọn thời điểm xuất cảnh sang Đài Loan từ nay đến giữa tháng 5-2010.

Trong khi đó, ở thị trường Nhật Bản, nhiều chuyên gia XKLĐ khuyên NLĐ nên chọn thời điểm xuất cảnh sau tháng 4-2010. Bởi lẽ, vào tháng 4-2010, Chính phủ nước này sẽ ban hành quy định riêng về chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ năng dành cho tu nghiệp sinh nước ngoài. Trong đó, một nội dung rất quan trọng nhiều khả năng được đưa vào quy định là nghiêm cấm các doanh nghiệp (DN) phái cử tu nghiệp sinh thu tiền ký quỹ, thế chấp tài sản của lao động nước ngoài.
 
Hiện tại, lao động VN muốn sang Nhật Bản phải nộp từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng; chưa kể khoản tiền ký quỹ hoặc thế chấp tài sản trị giá từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng hoặc cao hơn, tùy DN. Nếu đợi sau khi có quy định mới, NLĐ sẽ giảm được gánh nặng chi phí nói trên.

Malaysia: Thu nhập tăng nhờ miễn thuế

Có chưa tới 3.000 lao động VN sang Malaysia làm việc trong năm qua và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 10.000 trong năm nay. Cùng với nhu cầu gia tăng trở lại, những thay đổi trong chính sách của Chính phủ Malaysia có lợi cho NLĐ nước ngoài tạo ra lạc quan cho thị trường này.

Cụ thể, Chính phủ Malaysia quy định chủ sử dụng lao động phải nộp thuế levy (như thuế thu nhập cá nhân) cho lao động nước ngoài, thay vì như trước đây, lao động nước ngoài phải nộp với mức 100.000 ringgit - RM (500.000 đồng)/tháng. Dựa trên quy định mới, hiện tại, Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia chỉ đồng ý cho DN cung ứng lao động sang Malaysia nếu hợp đồng bảo đảm lương cơ bản 21 RM (trên 100.000 đồng)/ngày, chủ sử dụng phải trả thuế levy cho NLĐ.

Ông Vũ Đình Toàn, Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, cho rằng việc này bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ để thực hiện mục tiêu thu hút sự quan tâm của NLĐ ở thị trường này. Rất nhiều DN như Sovilaco, Châu Hưng... đều bảo đảm thu nhập 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng cho lao động ở Malaysia.

30.000 lao động vào Malaysia, UAE, Libya

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cùng với Malaysia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Libya được xác định là 3 thị trường có nhu cầu lao động với số lượng lớn nhất để đẩy mạnh việc đưa lao động VN  sang làm việc. Đây cũng là 3 thị trường chính để triển khai Quyết định 71/CP của Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ với dự kiến có tổng số 30.000 lao động xuất cảnh trong năm nay.


 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần