Kinhtedothi - Trước đó, trong chuyến công tác tại Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi thăm các điển hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao ở TP Đà Lạt và huyện Đơn Dương.
Tại Công ty Rừng hoa Đà Lạt, Phó Thủ tướng đã ghi nhận phương pháp tạo giống hoa bằng ghép mô để cho ra đời những loại hoa có màu sắc đẹp, kích cỡ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường chính của Công ty là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, doanh thu đạt 30 tỷ đồng/ha vào năm 2013.
Với việc phát triển sản xuất hoa theo phương pháp sinh học và trồng hoa trên đất của các hộ dân, giám đốc Công ty kỳ vọng sẽ nâng giá trị doanh thu trên 1ha lên tới 40 tỷ đồng trong những năm tới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với tỉnh Lâm Đồng. Ảnh VGP/Thành Chung
|
Trong khi đó, ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, nông dân sản xuất những giống rau chất lượng cao bằng cấy ghép giống và trồng trong nhà kính cũng mang lại giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến, cùng với dịch vụ thì nông nghiệp cũng là lĩnh vực thế mạnh mà tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển. Hiện nay diện tích đất phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp. “Tuy diện tích nhỏ nhưng với kết quả mà các đơn vị điển hình trên đạt được sẽ có sức lan tỏa rất lớn ở địa phương”, ông Tiến cho hay.
Nhờ điều kiện thuận lợi và sự năng động của chính quyền cũng như bà con nông dân mà tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng năm 2013 tăng tới 7,8%, gấp 2,6 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.
Đánh giá về hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói các mô hình sản xuất là điểm sáng và mong muốn tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh các cơ chế về tín dụng, đất đai,… để nhân rộng ra toàn tỉnh.
Đối với các chỉ tiêu phát triển khác của Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vui mừng khi Lâm Đồng đều đạt kết quả khá cao trong năm 2013 và quý I/2014, trong đó tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 4,13% với 12.200 hộ nghèo, giảm 2,18% so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 6.700 hộ chiếm 14,82%, thấp nhất trong các tỉnh Tây Nguyên và so với nhiều địa phương khác. Các dân tộc anh em đoàn kết, an ninh chính trị được đảm bảo.
“Kết quả này thể hiện sự lãnh đạo, thực hiện mạnh mẽ của Đảng bộ và chính quyền tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh có quyết tâm cao trong thực hiện khi đặt mục tiêu đưa huyện Đơn Dương là huyện nông thôn mới vào năm 2015 và 80% số xã đạt nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, Lâm Đồng cần tính toán bước đi có tính bền vững, vì lợi nâng cao đời sống nông dân.
Đối với các dự án nhà máy bauxite trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện các dự án này vì nhu cầu về nhôm trên thế giới còn rất nhiều. Do đó để tạo đồng thuận cho xã hội thì chính quyền tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành cần thông tin công khai để tạo đồng thuận xã hội.
Cho ý kiến về các phương án sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thuộc sự quản lý của UBND tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng Lâm Đồng cần căn cứ vào các tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước sắp ban hành để cổ phần hóa. Tuy nhiên cần quán triệt quan điểm rà soát và bán tiếp cổ phần của Nhà nước ở những lĩnh vực không cần thiết phải chi phối.
Trong sắp xếp, đổi mới hoạt động các nông lâm trường quốc doanh (Lâm Đồng có 8 lâm trường), Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng tự quyết định mô hình hoạt động (là doanh nghiệp công ích hay là Ban Quản lý); với lâm trường hoạt động kinh doanh thì dứt khoát phải gắn với các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.