Lợi dụng tính chất phức tạp của sự việc này, nhiều cá nhân đã tìm mọi cách cung cấp những thông tin không chính xác để làm sai lệch bản chất vấn đề. Điển hình nhất là họ đưa thông tin nhằm tạo ra một tâm lý hoài nghi trong dư luận, cho rằng chính quyền các cấp của thành phố né tránh sự việc này. Vậy đâu là sự thật?
Nhận diện rõ vấn đề trước thông tin sai lệch
Không khó để nhận ra đâu là những thông tin sai lệch về sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức được đưa trên mạng Interrnet những ngày qua. Trong đó có những thông tin mang tính bịa đặt trắng trợn: Nào là chính quyền thành phố đã né tránh, không tiếp xúc với người dân, đặc biệt là không chịu đối thoại giải quyết vấn đề cho nên người dân đã “tức nước vỡ bờ” - buộc phải làm cái việc giữ người trái pháp luật. Nào là Chủ tịch UBND thành phố đã hứa vào đối thoại với dân, nhưng không thực hiện…
Và có cả những thông tin được “gài” rất khéo qua những chi tiết mùi mẫn mô tả về không khí tại địa phương của một số cá nhân mon men chớp nhoáng đến khu vực này (một cách mô tả hoàn toàn chủ quan - vì như chính người viết cũng thừa nhận: người dân địa phương không cho ghi chép, ghi âm, ghi hình).
Vậy đâu là sự thật?
Sự thật là tình hình an ninh trật tự ở khu vực xã Đồng Tâm vẫn đang có những dấu hiệu phức tạp. Chuyện đúng - sai… trong việc dẫn đến sự việc nói trên xin tạm không bàn trong bài viết này. Chỉ xin nói về cách giải quyết sự việc này của thành phố.
Trả lời rất công khai trên đài truyền hình và các báo chí - đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố đã thẳng thắn nêu rõ: “Trong suốt quá trình diễn ra sự việc, Thường trực Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp đồng bộ giải quyết vụ việc. Thường trực Thành ủy giao đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố, phối hợp với huyện Mỹ Đức đối thoại với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm để giải quyết, sớm ổn định tình hình, trước mắt, để người dân nhanh chóng thả những người bị giam giữ trái pháp luật. Lãnh đạo thành phố mong muốn trực tiếp đối thoại với người dân để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, do người dân ở thôn Hoành chưa cử được người đại diện ra đối thoại nên đồng chí Chủ tịch UBND thành phố mới thực hiện việc trao đổi qua điện thoại với người dân. Thông qua các cuộc trao đổi này, người dân đã bước đầu nhận thức và hợp tác với chính quyền, đã thả 18 cán bộ, chiến sĩ bị giữ trái pháp luật.”
Xin được lưu ý: Bài phỏng vấn này được đăng, phát công khai trên nhiều phương tiện truyền thông chính thống từ chiều tối thứ Ba (18/4/2017). Và đồng chí Đào Đức Toàn những ngày qua đã trực tiếp có mặt tại huyện Mỹ Đức chỉ đạo giải quyết vụ việc vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm.
Như vậy có thể khẳng định:
Một là, chính quyền Thành phố dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố, phối hợp với huyện Mỹ Đức đối thoại với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm để giải quyết, sớm ổn định tình hình. Lãnh đạo thành phố đã mong muốn trực tiếp đối thoại với người dân để giải quyết sự việc. Tuy nhiên, do người dân ở thôn Hoành chưa cử được người đại diện ra đối thoại nên đồng chí Chủ tịch UBND thành phố mới thực hiện việc trao đổi qua điện thoại với một số người dân.
Hai là, hiệu quả của các hoạt động này là rõ nét: Người dân đã bước đầu nhận thức và hợp tác với chính quyền, đã thả 18 cán bộ, chiến sĩ bị giữ trái phép vào ngày 17/4.
Tất nhiên ở đây cũng cần phải nói cho rõ để ai đó còn băn khoăn với hai từ “đối thoại” nhận thức cho đầy đủ và trọn vẹn vấn đề. Đối thoại là sự giao tiếp giữa hai bên. Vì thế muốn đạt hiệu quả - rõ ràng cần phải có một môi trường đối thoại hợp lý để người nói cũng như người nghe được trình bày đầy đủ, sâu sắc các quan điểm của mình trên nền tảng nguyên tắc tôn trọng, xây dựng và hợp tác.
Hãy nhìn thẳng vào thực tế trật tự an ninh ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm những ngày qua: Ngay sau khi xảy ra sự việc, Thành phố đã lập 2 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động đối thoại với nhân dân. Tuy nhiên các đối tượng quá khích không hợp tác, ném cát sỏi, đá vào các tổ công tác làm một số cán bộ thành phố, huyện và cả chiến sĩ công an bị thương. Thậm chí, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị người dân giam giữ trái pháp luật. Hãy nhìn thẳng vào hình ảnh những “trận mưa” gạch đá của một số người quá khích và không khí lộn xộn khi rất nhiều người “chỉ muốn áp đặt ý chí của mình hơn là lắng nghe” – thì liệu ai có thể khẳng định là đối thoại sẽ có hiệu quả?
Bởi thế, việc thành phố kiên trì tạo dựng một môi trường đối thoại theo quy định pháp lý và hiệu quả là rất cần thiết. Đồng thời, có thể coi việc Chủ tịch UBND thành phố trao đổi qua điện thoại với nhiều người dân địa phương cũng là biện pháp đối thoại hiệu quả trong hoàn cảnh này.
Đối thoại phải trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau
Thành phố đã và đang đối thoại với người dân xã Đồng Tâm, vậy sắp tới có cần tiếp tục đối thoại nữa không?
Câu trả lời là: Có! Bởi chỉ có đối thoại mới giúp lập lại trật tự nhanh chóng và rạch ròi mọi chuyện để góp phần giải quyết triệt để tình trạng mất trật tự an ninh một cách nhanh nhất.
Vấn đề là đối thoại thế nào?
Người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm hiện đang tự cô lập mình bằng cách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” - vậy thì làm thế nào để có thể lắng nghe người khác? Cứ cho là họ đã mất niềm tin ở chính quyền cơ sở và mong được tiếp xúc với cấp cao hơn để kiến nghị, phản ánh - tại sao không cử đại diện của mình đến một địa điểm bên ngoài xã - và tuân thủ theo các quy định của pháp luật để bình tĩnh “người nói có người nghe”? Và tại sao lại cứ phải khăng khăng giữ 20 cán bộ, chiến sĩ như một điều kiện để tạo sức ép trong đối thoại, trong khi những người dân trót có hành vi vi phạm pháp luật nhưng nhận thức ra sai lầm, đã được cơ quan Công an khoan hồng không áp dụng biện pháp giam giữ? Chưa gặp nhau đã “gây sức ép” như thế - thì liệu có đối thoại thiện chí, xây dựng, bình đẳng với nhau được không?
Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại ý kiến của hai người dân về sự việc này. Một là, trong bức tâm thư của một người dân xã Đồng Tâm (xin được giấu tên) đã nhờ Báo Hànộimới đăng tải:“Đến bây giờ bà con vẫn để những người dân kia lộng hành, không thả cán bộ, chiến sỹ thì biết đến bao giờ bà con ta mới được yên bình đây? Với tình cảm cũng như trách nhiệm với quê hương, với lòng tự trọng bị tổn thương và để cứu bà con ta thoát vòng lao lý, không lún sâu vào con đường sai trái, tôi quyết định viết bức thư này mong bà con ta hãy thức tỉnh lương tri, chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước, thả cán bộ, chiến sỹ công an để bà con trong làng, trong xã chúng ta sẽ sớm được yên bình, trở lại sinh hoạt bình thường như trước đây, để con cháu chúng ta ra xã hội ngẩng cao đầu mà đi. Đừng vì hám lợi cá nhân mà coi thường pháp luật, làm hại cả thế hệ con cháu chúng ta sau này!”.
Và ý kiến của bạn đọc Trần Hùng Phú gửi về chia sẻ với tác giả bức tâm thư: “Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả bức tâm thư, thiết tha đề nghị bà con Đồng Tâm tuân thủ pháp luật, thả ngay những người đang giữ trái phép! Nếu có những vấn đề vi phạm pháp luật của người có chức có quyền, bà con có thể làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét và xử lý, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ bà con đến cùng”.
Cả hệ thống chính trị của thành phố đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết để sớm ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân Đồng Tâm (Mỹ Đức). Những nỗ lực đó cần nhận được sự hợp tác thiện chí của chính người dân địa phương, mà trước mắt là từ sự nhận thức đúng vấn đề và phải tuân thủ quy định của pháp luật.