KTĐT - Chính phủ từng thừa nhận 2011 là năm khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này là đúng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Sau tập đoàn dầu khí, điện lực lại đến ông lớn xăng dầu kêu khó khăn để xin ưu đãi. Theo chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan, sự thiếu nghiêm khắc trong quản lý đã làm nảy sinh những đòi hỏi hỗ trợ vô lý.
Theo bà Phạm Chi Lan, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ, thay vì "chăm bẵm" cho những tổng công ty, tập đoàn Nhà nước.
- Vừa qua, các tập đoàn, tổng công ty lớn như than, điện, xăng dầu thi nhau kêu lỗ, than khổ để xin được tăng giá hoặc cơ chế ưu đãi đặc biệt. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Chừng nào Nhà nước còn chưa dứt khoát và vẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn một cách "trái khoáy" như thời gian qua thì sẽ còn chuyện các "ông lớn" chạy đua xin hỗ trợ. Một khi Quốc hội bấm nút đồng ý chi ngân sách cho 5 doanh nghiệp lớn thì những tổng công ty "quy mô không nhỏ" hay nói cách khác là "lớn không kém" cũng sẽ xếp hàng xin ưu đãi.
Ngay cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN cũng được sử dụng ngân sách tới 3.500 tỷ đồng dù họ là doanh nghiệp khai thác tài nguyên trong nước đem xuất khẩu. Tập đoàn lớn như thế cũng được cơ chế thì những doanh nghiệp khác sẽ nghĩ ngược lại rằng: Tại sao họ không kêu để được hỗ trợ?
- Nhưng thực tế tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới đang rất khó khăn, và ảnh hưởng tới tất cả các loại hình doanh nghiệp?
- Tôi cho rằng khó khăn hiện nay là chung. Mỗi đơn vị có cái khó riêng, vấn đề là chúng ta xem xét bộ phận doanh nghiệp nào là đối tượng cần phải ưu tiên. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là Nhà nước cần áp dụng cơ chế minh bạch đối với doanh nghiệp lớn, kể cả trong điều kiện khó khăn nhất.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương hôm qua, Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) tiếp tục than thở về chuyện lỗ trong kinh doanh mặt hàng nhạy cảm xăng dầu. Lãnh đạo hãng nhiên liệu này cho biết hết quý I/2011, doanh nghiệp này đã lỗ tới 2.650 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. Trong đó, chỉ tính riêng đợt điều chỉnh ngày 11/2 của Ngân hàng Nhà nước VN, số lỗ mà Petrolimex phải chịu đã lên tới trên 1.850 tỷ đồng.
Từ số lỗ này, lãnh đạo Petrolimex Chính phủ cho phép hãng được khoanh số ngoại tệ theo một tỷ giá cố định để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.
Chính phủ từng thừa nhận 2011 là năm khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này là đúng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Họ là khối doanh nghiệp làm ra của cải và tạo ra rất nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Do vậy, họ xứng đang nhận được sự ưu đãi và hỗ trợ từ Chính phủ, chứ không phải các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn. Các tập đoàn lớn vốn được hưởng các đặc quyền đặc lợi trong một thời gian dài nên không thể cứ thấy họ kêu là hỗ trợ. Tôi cho rằng, Chính phủ rất cần có một thái độ nghiêm khắc hơn, dứt khoát hơn với những tập đoàn lớn.
- Thời gian qua, các ngành như xăng dầu, điện nước khi đề xuất tăng giá đều cho rằng kinh doanh khó khăn, lỗ nên cần phải điều chỉnh giá. Bà thấy lý do này thế nào?
- Tôi đồng ý là doanh nghiệp có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra trong lĩnh vực xăng dầu là, Nhà nước bảo phải theo cơ chế thị trường không thể bao cấp mãi. Thế nhưng, họ chỉ thực hiện có một vế của thị trường. Khi giá thế giới tăng, họ đề nghị tăng giá lên ngay thế nhưng khi giá thế giới xuống họ lại "quên" mất yếu tố thị trường.
Nếu đã gọi là sòng phẳng thì bản thân doanh nghiệp phải có trách nhiệm giảm giá xuống chứ không thể chỉ có một chiều yêu cầu người tiêu dùng trả thêm tiền. Mặt khác, cơ chế thị trường phải đảm bảo được sự bình đẳng về thông tin, độ minh bạch của doanh nghiệp và người tiêu dùng được quyền tiếp cận thông tin.
- Trong buổi giao ban trực tuyến hôm qua của Bộ Công Thương, Petrolimex than rằng việc điều chỉnh tỷ giá đã khiến họ lỗ trên 2.600 tỷ đồng và đề nghị có cơ chế hỗ trợ. Bà bình luận gì về điều này?
- Nếu chỉ nhìn vào khía cạnh tỷ giá thì đúng là Petrolimex có khó khăn thật. Song cũng cần phải nhìn ngược lại là tại sao họ lại gặp khó khăn và phải đi vay tới cả tỷ đôla? Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động nhiều năm, vốn Nhà nước cung cấp cho họ, họ có rất nhiều nguồn vay, vậy tại sao vẫn phải phụ thuộc vào vốn vay ngoại tệ lên tới cả tỷ đôla. Câu hỏi đặt ra là, tích lũy của doanh nghiệp này bao nhiêu năm để đâu? Nhà nước giám sát việc này như thế nào? Và cơ quan kiểm toán xem xét vấn đề của Petrolimex ra sao để họ vẫn kêu về vấn đề tỷ giá.
Lâu nay, khi giá xăng dầu thế giới biến động, Petrolimex kêu lỗ và đề nghị tăng giá. Nay tỷ giá điều chỉnh, họ cũng căn cứ vào yếu tố này để xin cơ chế. Nếu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ Petrolimex thì chúng ta sẽ giải thích thế nào về cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp khác cũng gặp khó khăn tương tự về tỷ giá, vậy ai sẽ là người hỗ trợ cho họ đây?
Trên thực tế không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó mà ngay cả các đơn vị xuất khẩu như dệt may, da giày... cũng gặp khó khăn tương tự vì họ phải nhập nguyên liệu về sản xuất trong nước. Nói tóm lại rất nhiều doanh nghiệp chịu sức ép tỷ giá, vậy tại sao chỉ có Petrolimex liên tục kêu? Tôi nghĩ Nhà nước nên có thái độ dứt khoát để doanh nghiệp hiểu rằng không thể có biệt đãi riêng khi họ gặp khó khăn. Trong khi khó khăn là chung của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Bà bình luận gì về quan điểm: Các tập đoàn lớn kêu còn khó, doanh nghiệp nhỏ biết kêu ai?
- Như tôi đã nói, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ ứng xử của Chính phủ. Chừng nào Chính phủ còn tỏ thái độ như vậy thì các doanh nghiệp lớn vẫn còn kêu, bởi vì họ thấy kêu có hiệu quả. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ càng bị mặc cảm rằng họ thấp cổ bé họng, kêu cũng chẳng được lợi gì. Rõ ràng, cái khó của doanh nghiệp, Chính phủ hiểu hơn ai hết.
Bản thân Chính phủ cũng biết rằng cần phải hỗ trợ, ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp nào. Tôi cho rằng, nếu Nhà nước thực sự nghĩ đến người dân thì phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngân sách của chúng ta không nhiều, Chính phủ cũng không có đủ nguồn lực để bao bọc hết doanh nghiệp nên cần phải lựa chọn đối tượng ưu đãi. Tiền hỗ trợ từ Chính phủ cũng chính là đóng góp của người dân, thông qua thuế. Do vậy, khoản tiền này cần phải được sử dụng đúng mục đích đúng đối tượng để tránh trở thành câu chuyện "lấy của người nghèo để ủng hộ người giàu".
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Nhà nước đã được ưu đãi nhiều về vốn ban đầu. Việc huy động vốn trên thị trường đối với các tập đoàn lớn cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhỏ và chưa có thương hiệu. Do vậy, khi các đơn vị này kêu thì cũng cần phải đánh giá xem họ kêu có thực sự hợp lý.
Ở đây, tôi thấy cần xem lại, doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi nhiều về vốn ban đầu, việc huy động vốn trên thị trường không quá khó. Hệ thống ngân hàng của VN hiện nay cũng cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp tập đoàn, tổng công ty nhà nước... Thị trường tín dụng ở trong tay doanh nghiệp lớn, vậy tại sao lại nêu con số lớn như vậy để mà kêu.
Nhận định rằng 2011 là năm thực sự khó khăn đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án giảm thuế thu nhập cho một số đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ước tính có 200.000 doanh nghiệp nằm trong diện được hỗ trợ với số tiền thuế vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhìn nhận, những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này không có nhiều lợi nhuận, khoản giãn thuế ít ỏi này không thấm tháp vào đâu so với cái khó của họ. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Liên bộ Tài chính - Công Thương và UBND TP HCM hôm qua, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất tiếp tục giảm thêm 50% số thuế được giãn để hỗ trợ khó khăn cho họ.