Đây là hoạt động vận tải với nhiều ưu điểm, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của học sinh, góp phần giảm UTGT nơi cổng trường giờ cao điểm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập do chủ xe chưa thực sự quan tâm đến chất lượng của phương tiện, ý thức chấp hành giao thông còn kém đang tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Hữu ích nhưng ẩn họa khôn lường Từ khoảng 6 giờ 30 - 7 giờ hàng ngày, các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi, mọi cấp học từ mẫu giáo đến cấp ba đứng tụm năm, tụm ba chờ xe đưa đón đến trường. Hình ảnh này đã không còn xa lạ với mọi người ở cụm dân cư. Bởi khi cha mẹ không có điều kiện đưa đón con đi học thì đây là phương tiện giao thông rất hữu ích và tiện dụng. Tuy nhiên loại phương tiện giao thông này lại đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây TNGT nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ. Có một thực tế mà hầu hết ở phương thức vận tải này đều thấy rõ là tình trạng xe cũ, cá biệt có xe không còn thời hạn lưu hành, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Đặc biệt ý thức chấp hành các quy định Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện chưa cao.
Dù chỉ trên một đoạn đường gần 4km, nơi tập trung các trường cấp I, cấp II và cấp III tại thị trấn Đông Anh đã có gần chục chiếc xe đưa, đón học sinh hoạt động, ngược xuôi, tấp nập. Buổi sáng và giờ tan tầm các ngày trong tuần chính là lúc lượng người tham gia giao thông đông đúc nhất. Các nhà máy, xí nghiệp, trường học… đều đổ ra đường, ai cũng muốn đi nhanh hơn. Việc các xe đưa đón học sinh với số lượng lớn ngược, xuôi dừng đỗ, đón trả bấm còi inh ỏi gây ra tình trạng ùn tắc và cảm giác bức xúc, khó chịu cho người tham gia giao thông. Hơn nữa, việc đón và trả học sinh diễn ra rất lộn xộn. Xe dừng đỗ tùy tiện, giữa lòng đường hay phương tiện lượn lách qua phải, qua trái mà không xi nhan là điều thường xuyên xảy ra. Nhiều em nhỏ tự lên xuống xe, lao qua đường khi không có người lớn đi kèm trở thành mối nguy hiểm dẫn đến TNGT. Điều đó cũng làm xấu đi hình ảnh để xây dựng ý thức cho học sinh về sự tuân thủ pháp luật. Cùng với đó là chất lượng đáng báo động của các xe được dùng để đưa, đón học sinh. Các bậc cha mẹ hầu hết ít quan tâm đến vấn đề này vì họ nghĩ đơn giản là đoạn đường đi ngắn, giá thành phù hợp và đặc biệt chủ xe là... hàng xóm, quen biết hay cùng khu phố như vậy sẽ an tâm hơn khi gửi gắm con em mình, còn về chất lượng xe như thế nào thì chủ xe lo, gia đình không lưu tâm nhiều. Trong khi đó, hầu hết các xe đưa, đón học sinh đều là xe cũ, xe thải loại được các chủ mua về với giá rẻ rồi sau đó sửa chữa, “mông má” lại. Thậm chí, ghế ngồi của các em học sinh cũng được “tự chế” để có thể nhồi nhét được nhiều học sinh hơn. Có em vì chật chội và ghế cứng mà trong suốt đoạn đường đi thà… đứng còn hơn. Có em còn thò hẳn đầu ra ngoài cửa xe để chơi đùa mà chủ xe vẫn thản nhiên lái xe lượn lách để đón, trả. Tình trạng vi phạm của phương thức vận tải này cho thấy, xe ô tô được sử dụng làm xe đưa, đón học sinh phần lớn xuất phát từ nhu cầu tự phát, không có sự đầu tư, quản lý của các tổ chức, cơ quan chức năng. Do vậy, khi có sự cố xảy ra, thiệt hại trước hết lại thuộc về học sinh và gia đình các em. Nên đưa vào quản lý chặt Xã hội ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, đồng nghĩa với điều đó là những tiện ích cuộc sống ngày càng mở rộng. Việc tồn tại của những chiếc xe đưa, đón học sinh đến trường và tan giờ học là tất yếu. Tuy nhiên cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, phổ biến sâu rộng về việc chấp hành các quy định của pháp luật giao thông; cần có sự cam kết của các chủ xe tổ chức phương thức vận tải này. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các chủ xe ký cam kết là đi đúng tuyến, đúng giờ đảm bảo tốc độ, đảm bảo số lượng người để phát huy tốt nhất các mặt ưu điểm của phương thức vận tải này, đồng thời tổ chức kiểm tra, kiên quyết đình chỉ tất cả các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật để hạn chế những nguy cơ dẫn đến mất an toàn và TNGT. Cùng với đó, cần phải gắn trách nhiệm của các nhà trường trong việc thuê xe và tổ chức đưa, đón học sinh theo lộ trình để tránh những nguy cơ mất ATGT hoặc UTGT tại các đường, phố hẹp. Nhà trường cần ký hợp đồng chặt chẽ với các chủ phương tiện, để họ ý thức được trách nhiệm của mình khi xảy ra sự việc sai phạm. Từ đó tạo được niềm tin đối với các học sinh, thu hút nhiều học sinh sử dụng phương tiện này để đi học. Qua đó góp phần lập lại trật tự ATGT trên địa bàn TP. Đối với cha mẹ học sinh, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có được dịch vụ tốt nhất và an toàn cao cho con, em mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý thì dịch vụ vận tải này mới phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của quần chúng Nhân dân và góp phần làm giảm thiểu nguy cơ TNGT.
Xe đưa, đón học sinh là phương tiện phổ biến tại các thành phố. |