Đoàn công tác liên bộ gồm Bộ Công Thương, KH&CN, NN&PTNT và Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) khảo sát thực tế tại tỉnh Sóc Trăng. |
Tiết kiệm tới 38,7% điện năng
2 mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm gồm: "Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô xy) chữ U bằng con lăn trục quay" và "Đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U" được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) nghiên cứu, triển khai thí điểm tại 161 hộ dân nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng).
Sau một năm thí điểm, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, mô hình "Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô xy) chữ U bằng con lăn trục quay" đã giúp 161 hộ dân tiết kiệm được 15,2% điện năng tiêu thụ, tương đương 757 triệu đồng/năm; còn mô hình "Đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U", tiết kiệm tới 38,7% điện năng, tương ứng 1,9 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Thành viên Hiệp hội nuôi tôm huyện Mỹ Thanh chia sẻ, đây là một mô hình mang lại lợi ích kép cho các hộ nuôi tôm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí điện năng, mô hình còn góp phần giảm thiểu hư hỏng các thiết bị, giúp việc hòa tan ô xy trong ao ổn định hơn, tạo môi trường sống tốt cho tôm".
"Với gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác, mỗi tháng chi phí tiền điện dành cho nuôi tôm lên tới hàng trăm triệu đồng, thì việc giảm từ 38 - 40% san lượng điện hàng tháng là rất lớn, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí để tái đầu tư. Do đó, tôi rất mong muốn các bộ ngành và ngành Điện xem xét, sớm nhân rộng mô hình này, để nhiều hộ dân nuôi tôm cùng được hưởng lợi", ông Nhiệm cho hay.
"Một mô hình ích nước, lợi nhà"
Chủ trì buổi họp đánh giá Mô hình tiết kiệm điên trong nuôi tôm với đoàn công tác liên bộ sau chuyến khảo sát thực địa, ông Đặng Huy Cường - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định: Đây thực sự là một sáng kiến ích nước, lợi nhà.
"Chi phí đầu tư ít nhưng có thể tiết kiệm được lên tới 38% điện năng tiêu thụ, mô hình này có nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới. Hiện nay, trong bối cảnh tiềm năng các loại năng lượng như thủy điện, điện khí... đã đạt tới hạn, điện hạt nhân tạm dừng, việc huy động vốn để đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn, thì tiết kiệm điện là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, giúp EVN giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới. Không chỉ có vậy, mô hình này còn mang lại chính lợi ích cho các hộ gia đình nuôi tôm", ông Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thực hiện các giải pháp để nhân rộng mô hình này, bởi lợi ích mà mô hình mang lại đã rất rõ ràng.
Còn ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho hay: "Đi khảo sát mô hình, tôi thực sự ấn tượng. Tính khả thi của mô hình này rất cao, bởi nó đơn giản, người dân dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, với nghề nuôi tôm, việc giảm được 38,7% điện năng tiêu thụ có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường".
Cùng đánh giá cao mô hình này, đại diện Bộ KH&CN và VECEA cũng nhận định, đây là 2 mô hình có cơ sở khoa học và có ý nghĩa cao, hoàn toàn có thể nhân rộng trong thực tiễn.
Về phía tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND cho biết, mỗi năm, điện dành cho nuôi tôm ở Sóc Trăng chiếm khoảng 221 triệu kWh, tương ứng khoảng 20% sản lượng điện tương phẩm toàn tỉnh - một tỷ lệ rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong mô hình này sớm được nhân rộng. Tỉnh Sóc Trăng cam kết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ ngành Điện kêu gọi các hộ dân nuôi tôm áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện...
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với những lợi ích mà mô hình này mang lại, Tập đoàn đã chỉ đạo EVNSPC và PC Sóc Trăng tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, nâng cấp mô hình này. "Để có cơ sở pháp lý để nhân rộng mô hình này không chỉ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các tỉnh phía Bắc, EVN đề nghị các Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT sớm công bố rộng rãi kết quả mô hình này, từ đó chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền để các hộ dân áp dụng...", ông Lâm kiến nghị.
Được biết, hiện nay, EVNSPC đã và đang tiếp tục triển khai đợt thí điểm thứ hai mô hình này tịa tỉnh Sóc Trăng, với việc hỗ trợ cấp phát con lăn cho 672 hộ dân, tổng chi phí gần 750 triệu đồng.
Ngoài ra, trong năm 2018, EVNSPC sẽ triển khai một giải pháp mới theo đề án "Giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau - giai đoạn thí điểm 2017 - 2018". Cụ thể, giải pháp được áp dụng là: "Thay động cơ điện hiệu suất cao, điều tốc kết hợp với thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt với trục động cơ", với sự kết hợp giữa mô hình mới và 2 mô hình trên, nhằm khuyến khích các hộ nuôi tôm thay tế các loại động cơ cũ (không rõ nguồn gốc, động cơ quấn lại) bằng động cơ hiệu suất cao kết hợp bộ giảm tốc và sử dụng con lăn cho đàn quạt tạo ô xy.