Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần sự điều chỉnh của pháp luật để bảo vệ thiên nhiên, di sản…

Viễn Nguyệt - Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng ta hướng tới một xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật, thì hệ thống luật pháp phải đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, nhất là trong kinh doanh du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác”, PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội trao đổi xung quanh vấn đề bảo tồn thiên nhiên, di sản, phát triển du lịch bền vững.

Trước hết, dưới góc độ của nhà nghiên cứu về văn hóa, du lịch, ông đánh giá thế nào về hệ thống tài nguyên di sản, văn hóa Việt Nam?

PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội. 

PGS.TS Dương Văn Sáu: Với bề dày lịch sử phát triển mấy ngàn năm, bằng những nỗ lực kiến tạo của các thế hệ, cha ông ta đã để lại kho tàng di sản văn hóa cực kỳ phong phú và kho tàng di sản văn hóa ấy là minh chứng sống động cho văn hiến Việt Nam; tất cả những di sản ấy đã trở thành tài sản của quốc gia, dân tộc trên con đường phát triển.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trong đó hội nhập qua con đường du lịch là một xu hướng tất yếu của xã hội văn minh. Dòng khách đến với Việt Nam càng ngày càng đông và đa dạng. Họ đến Việt Nam để khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa bản địa, tìm hiểu cảnh quan, thiên nhiên môi trường, thưởng thức ẩm thực đặc sắc vùng miền...

Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chúng ta mới chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cho nên cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất kỹ thuật đang trong quá trình phát triển, còn thiếu và yếu.

Chính vì lẽ đó, kho tàng di sản văn hóa đã và đang được khai thác, phát huy giá trị; chúng ta đang nỗ lực biến những giá trị đó trở thành tài nguyên du lịch theo đúng nghĩa của nền kinh tế thị trường.

Những tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực và được biến đổi để trở thành động lực cho kinh tế du lịch phát triển. Việc khai thác, phát huy giá trị của di sản văn hóa qua con đường du lịch đã ra đời một thuật ngữ mới đó là “kinh tế di sản”.

Đó chính là việc khai thác, phát huy giá trị của kho tàng di sản, trong đó có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó thông qua các kênh phân phối sản phẩm khác nhau, qua hệ thống dịch vụ chuyên dụng… sẽ tạo những nguồn lợi kinh tế.

Trong một công bố khoa học gần đây, ông cho rằng Du lịch di sản cần 6 biến đổi để đột phá, ông có thể cho biết rõ hơn?

PGS.TS Dương Văn Sáu: Bằng các kết quả nghiên cứu của mình, tôi cho rằng cần 6 biến đổi trong kinh tế du lịch di sản tạo sự đột phá, đó là: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến môi trường thành thị trường; biến nguồn lực thành động lực; biến giá trị thành giá cả.

Đây là quan điểm khá mới, nhận được phản hồi đa chiều của giới chuyên môn cũng như dư luận xã hội. Tôi cho rằng, điều này phản ánh đúng thực tế hiện nay của hoạt động du lịch. Bởi du lịch nếu nói bằng một từ thôi thì từ đó sẽ là từ “động”. Du lịch là hoạt động dịch chuyển của con người sẽ tạo ra sự biến đổi, từ đó tạo ra sự phát triển. 6 biến đổi (mà tôi gọi là “lục biến”) trong du lịch hiểu rộng ra sự chuyển biến về tư duy nhận thức, về hành động, trong đó đặc biệt cần thiết sự điều chỉnh của pháp luật cho phù hợp.

Chúng ta hướng tới một xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật, thì hệ thống luật pháp phải đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, nhất là trong kinh doanh du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Nếu làm tốt điều này sẽ khai thác được tài nguyên, nguồn lực quan trọng đó là di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, tăng cường đầu tư khai thác tuyến điểm mới, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường.

Từ đó tạo cho du lịch một diện mạo đa dạng, truyền thống kết hợp hiện đại vừa phát huy giá trị di sản vừa tận dụng cảnh quan, môi trường sinh thái để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Vừa tìm hiểu quá khứ vừa đưa quá khứ đi cùng với nhịp sống thời đại.

Ông vừa nhấn mạnh tới việc “cần thiết sự điều chỉnh của pháp luật” trong hoạt động du lịch, cụ thể là gì, thưa ông?

PGS. TS Dương Văn Sáu: Chúng ta thấy thời gian gần đây, du lịch ở nhiều địa phương phát triển nóng, tác động ảnh hưởng đến quy hoạch dẫn tới cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, sinh thái nhiều nơi bị xâm hại. Nhiều công trình du lịch tâm linh, sinh thái ra đời, dịch vụ phát triển xâm hại di sản. Rất đáng lo ngại là tình trạng doanh nghiệp “đặt” vào thiên nhiên “sự đã rồi”.

Chính quyền, cơ quan quản lý loay hoay giữa việc “phạt cho tồn tại” hay xử lý triệt để. Thực tế cho thấy, khi sự việc xảy ra rồi, dư luận xã hội bức xúc, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới bộc lộ rõ những “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Đây là khoảng trống pháp lý, là khiếm khuyết cần nhanh chóng điều chỉnh, không thể để tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Có một vấn đề mà tất cả các hoạt động đều phải đối mặt đó là cân đối lợi ích giữa tăng trưởng, phát triển và bảo tồn. Đây là vấn đề đặt ra với mọi quốc gia, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Thực tế của Du lịch Việt Nam hiện nay đang xảy ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, như đã phân tích ở trên.

Tôi cho rằng, đối với một quốc gia đang có sự tăng trưởng mạnh về du lịch, sự phát triển về hạ tầng, cơ sở dịch vụ là cần thiết, nhất là những dịch vụ ở những điểm du lịch mới nhưng phải đặt trong tổng thể địa phương - quốc gia - dân tộc. Hiện nay đang có tình trạng rất đáng lo ngại là doanh nghiệp (hoặc địa phương) chỉ vì lợi ích của mình, tiến hành đầu tư xây dựng ồ ạt phá vỡ quy hoạch tổng thể, gây ra những hệ lụy khôn lường…

Để làm được điều này, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cần tuân thủ quy hoạch, tôn trọng tiếng nói và lợi ích của cộng đồng cư dân bản địa và tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu. Chúng ta nói nhiều đến nền kinh tế tri thức, nhưng ý kiến của các chuyên gia chưa thực sự được coi trọng, dẫn đến lãng phí chất xám.

Để tạo ra sự bền vững, cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ di sản, thiên nhiên, môi trường, tránh tình trạng “sự đã rồi”.

6 biến đổi như ông vừa nói có thể tạo đột phá trong hoạt động du lịch, nhưng cũng có thể gây ra sự “lạm dụng” làm biến đổi văn hóa, di sản. Vậy có cách nào để hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, thưa ông?

PGS.TS Dương Văn Sáu: Trong kinh tế du lịch chúng ta hay nói “ấn tượng và khác biệt sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh”, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam thì vô cùng đặc sắc, phong phú, chính bản sắc đó tạo nên ấn tượng với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nhưng vấn đề là từ di sản ấy để trở thành sản phẩm du lịch thì phải có bước đi và biện pháp như thế nào?

Tôi cho rằng trước khi “biến di sản thành tài sản, biến văn hóa thành hàng hóa” cần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đó, trên cơ sở ấy chúng ta sẽ tạo ra “phiên bản” để có thể phục vụ du khách, công chúng. Chứ không thể đem tinh hoa cốt lõi của văn hóa dân tộc trở thành hàng hóa được. Ví dụ như Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hay một số loại hình nghệ thuật như dân ca Quan họ, Chèo, hát Văn… hoàn toàn có thể tạo những phiên bản phù hợp trong nghệ thuật trình diễn dân gian để thích hợp với nhiều đối tượng du khách quốc tế.

Những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc cần phải được bảo tồn và không thể đánh đổi với những chỉ số nào đó về kinh tế. Những cái đó chính là linh hồn, là bản sắc văn hóa dân tộc cần được bảo tồn. Làm như thế nào, loại hình gì, ở đâu, không gian nào? cần phải có sự phối hợp từ cộng đồng cư dân bản địa, nghệ nhân dân gian, địa phương, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, truyền thông thì chắc chắn sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa, di sản. Từ đó có thể xây dựng lên thương hiệu Du lịch văn hóa.

Xin cảm ơn PGS. TS Dương Văn Sáu!