Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần sự đồng thuận cao để góp tay xây dựng Thủ đô xứng tầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặt giả thiết, trước áp lực dư luận, TP Hà Nội sẽ dừng hẳn không thực hiện việc chặt...

Kinhtedothi - Đặt giả thiết, trước áp lực dư luận, TP Hà Nội sẽ dừng hẳn không thực hiện việc chặt hạ để thay thế cây xanh kém chất lượng thì chắc hẳn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh, bất cập như: Mất an toàn giao thông mùa mưa bão sắp đến và trong tương lai xa, đường phố Hà Nội sẽ thiếu vắng những hàng cây đồng bộ.

Những con số minh chứng

Nhiều năm qua, mỗi năm Thành phố đều chặt hạ hàng trăm cây không đúng chủng loại. Mặc dù năm nay cũng triển khai tương đồng nhưng gặp sự phải đối của dư luận, vì năm nay có rất nhiều cây to đẹp vướng vào vùng giải tỏa dự án giao thông, gây sự hiểu nhầm cho người dân. Cạnh đó, trên nhiều trang thông tin cho rằng, năm nay Hà Nội sẽ chặt hạ 6.700 cây, tuy nhiên con số này sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm (2015-2017).
Hà Nội đã công khai trước báo chí về số cây đưa về vườn ươm Cầu Diễn.
Hà Nội đã công khai trước báo chí về số cây đưa về vườn ươm Cầu Diễn.
Trong năm 2012, Hà Nội đã chặt hạ 634 cây, thay thế và trồng bổ sung 975 cây; năm 2013, đã chặt hạ 400 cây, thay thế và trồng bổ sung 1.446 cây; năm 2014, đã chặt hạ 541 cây, thay thế và trồng bổ sung 915 cây. Đây là việc làm cần thiết để góp phần bảo đảm cảnh quan đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Theo UBND thành phố, thời gian qua trên địa bàn Thành phố còn triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án hạ tầng giao thông đô thị (Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Hầm chui Quốc lộ 6, nút giao Vành đai 3 Trần Duy Hưng,...). Trong phạm vi các công trình này, có một số cây xanh đô thị bắt buộc phải chặt hạ, di dời; nhất là trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) - Quang Trung (Hà Đông) để thi công công trình và bảo đảm an toàn cho giao thông đường sắt đô thị. Trong quá trình thực hiện, Thành phố cũng đã chỉ đạo kiểm tra, hạn chế thấp nhất việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, giữ lại cây nằm ngoài mặt bằng xây dựng, không vướng vào công trình; dịch chuyển các cây đô thị về vườn ươm Cầu Diễn chăm sóc, chỉnh trang và duy trì để trồng lại trên đường phố, Công viên Hòa Bình; trồng bổ sung các cây xanh đô thị theo quy hoạch…

Về việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường, trong năm 2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì, cùng với Công ty Công viên cây xanh khảo sát hệ thống cây xanh trên một số tuyến phố, địa điểm công cộng để lập phương án thay thế điều chuyển các cây có chủng loại kích thước không phù hợp cảnh quan, kêu gọi xã hội hóa kinh phí trồng cây và tổ chức thực hiện. Những cây đẹp không bị chặt hạ, mà vận chuyển về vươn ươm để tiếp tục phục vụ cho các tuyến đường khác nhau.

Điểm khác năm nay, đã có các đơn vị như: Tập đoàn Vincom, Công ty Himlam, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng, Công ty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh, Công an Thành phố Hà Nội, quận Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm... và một số tổ chức, cá nhân khác đã tham gia hưởng ứng tài trợ việc cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến đường.

Riêng tuyến Nguyễn Chí Thanh đoạn từ Kim Mã đến Đê La Thành chủ yếu là cây Keo lá tràm đã trồng gần 20 năm, cong, xấu; đoạn từ Đê La Thành đến Đường Láng trồng chủ yếu cây hoa Sữa với mật độ dày; Theo khảo sát, toàn tuyến sẽ phải di chuyển, thay thế khoảng 280 cây; các đơn vị đã chặt hạ 111 cây, di chuyển 124 cây và trồng mới 227 cây.

Quyết tâm thực hiện vì một đô thị xanh

Việc triển khai cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường trên địa bàn Thành phố được xây dựng trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với mục tiêu bảo đảm sự phát triển bền vững, cải tạo điều kiện khí hậu, cải thiện môi trường đô thị, tăng vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan, xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.

PGS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam đã nói: “Tôi tin Hà Nội làm đúng” khi trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô xung quanh việc thay thế cây cong nghiêng, cây sâu mục, cây không đúng chủng loại cây đô thị của Hà Nội. Việc thay thế là cần thiết, đảm bảo cho sự văn minh, an toàn của một đô thị hiện đại.

Mục tiêu chung của đề án đến năm 2020, Hà Nội phải tạo ra được sự chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức, quản lý cây xanh trên địa bàn 12 quận nội thành. Trong quy hoạch của thành phố tới đây sẽ tiến hành thay thế những cây không phù hợp để trồng mới; trong đó có 15 loại cây phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu phát triển ở Hà Nội được đưa vào danh mục như: Cây Muồng hoàng yến; Bằng lăng nước; Hoàng lan; Ngọc lan trắng; Sếu; Sấu, Sao đen, Trẹo; Long não; Lát hoa; Vàng anh; Muồng nhạt; Dáng hương; Nhội và Sưa trắng.

Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, trước tiên Hà Nội cần công bố rộng rãi mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của đề án cho đông đảo người dân tham gia góp ý kiến. Bên cạnh đó cần công khai minh bạch, thậm chí lập hồ sơ, chụp ảnh, quay phim tình trạng phát triển của mỗi cây, làm căn cứ để trưng cầu khi nhân dân cần biết. Đặc biệt, những cây sẽ được chặt hạ thì nguồn gỗ sử dụng vào mục đích gì, nộp kinh phí cho ngân sách bao nhiêu cần được công khai.

Thực tế, thời gian gần đây, thành phố đã cho chặt hạ hàng trăm cây, trong đó phần lớn đều được đánh số đưa về nơi tập kết; nhiều cây xanh đưa về vườn ươm Cầu Diễn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang nghi ngại về tính minh bạch. Vấn đề này, các đơn vị chức năng của TP Hà Nội cũng đã mở cửa công khai các kho gỗ, vườn ươm cho các cơ quan báo chí “mục sở thị”.

Khi mọi việc đã được làm sáng tỏ, thì vấn đề đồng thuận từ nhân dân đang là động lực rất cần thiết giúp cho chính quyền Thủ đô thực hiện đúng ý tưởng của mình, xây dựng đô thị xứng tầm khu vực và thế giới.