Cần sử dụng gói kích thích đi kèm tái cơ cấu kinh tế

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phục hồi kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Song làm thế nào để phục hồi nhanh và phát triển bền vững đang là câu hỏi lớn đặt ra. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có trao đổi với GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân về vấn đề này.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, sức chống chịu cao
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh để giảm đi thiệt hại về mặt kinh tế, chúng ta phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp, cách thức để “phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Có thể hiểu vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Trong bối cảnh mà nền kinh tế Việt Nam sau gần 2 năm chống chọi với dịch Covid -19, đã suy giảm về nguồn lực, DN bị kiệt quệ. Bây giờ, chúng ta phải có giải pháp để giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Để phục hồi cần có các gói kích thích hỗ trợ kinh tế. Những chính sách mà trước đây đã áp dụng chỉ mới là các biện pháp làm đỡ khó khăn cho DN chứ chưa tạo ra được nguồn lực mới để DN phát triển phục hồi. Do đó, tại Diễn đàn Kinh tế vừa qua đều đồng quan điểm có thêm nguồn lực, dòng tiền để giúp cho các DN phục hồi và phát triển.

Rõ ràng phải sử dụng gói hỗ trợ của Nhà nước, sử dụng công cụ tiền tệ và tài khóa. Thông qua hệ thống tín dụng để DN vay được vốn giá rẻ. Khi phải sử dụng như vậy cung tiền tăng lên thì đương nhiên có thể ảnh hưởng đến vấn đề quản lý lạm phát. Không phải chỉ hỗ trợ cho DN phục hồi mà nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng cần phải có nguồn lực để tạo ra sự phát triển. Ví dụ như lĩnh vực đầu tư hạ tầng, công trình trụ cột phát triển cho nền kinh tế, tăng thêm đầu tư công. Phải tăng bội chi ngân sách và nợ công lên.

Nhưng nếu các nguồn đầu tư vào không hiệu quả, tăng khả năng trả nợ. Hoặc không đi vào sản xuất kinh doanh, không tăng lên cung sản phẩm mà chảy sang lĩnh vực đầu cơ bất động sản, chứng khoán tăng lên sẽ làm tăng lạm phát, nguy cơ khủng hoảng về mặt tài chính. Nếu cứu trợ như vậy sẽ là phục hồi nhưng không tạo ra bền vững.

Duy trì phát triển phục hồi kinh tế, nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Vậy theo ông, làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững?

- Tôi cho rằng cần phải có các giải pháp phục hồi trước mắt và lâu dài. Điều cần thiết hiện nay là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, càng sớm càng tốt, bao gồm cả việc triển khai tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19.

Các động lực tăng trưởng hiện nay là đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân) xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục, thông suốt, bảo đảm sinh kế cho người dân, người lao động. Bên cạnh đó cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, DN. Đồng thời tăng cường đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy chuyển đổi số không chỉ là cần thiết mà cấp bách, nếu áp dụng sẽ tạo ra bước phát triển kinh tế nhảy vọt, đột phá.
Về lâu dài phát triển bền vững: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô theo tính toán và xác định mức bội chi, nợ công, lạm phát. Hay nói cách khác là phục hồi kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế phải đi liền với nhau. Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Bộ KH&ĐT tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi DN; phát triển kết cấu hạ tầng và hoàn thiện thể chế.
Công ty TNHH Katolec Việt Nam - KCN Quang Minh - HN. Ảnh: Phạm Hùng
Tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế

Theo ông phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nào?

- Tái cấu trúc vùng để tạo ra cân đối hơn. Khai thác lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng; hợp tác, liên kết vùng. Thiết kế được các nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng vùng, từ đó thể hiện được trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và xây dựng được những cơ chế có tính đột phá cho từng vùng, gắn với bố trí nguồn lực ngân sách, thu hút các nguồn lực xã hội; tái cấu trúc ngành, những ngành nào tạo trụ cột chứ không phải chỉ dừng lại ở sự phát triển ở phân khúc giá trị thấp, các ngành trụ cột để tạo ra chỗ đứng trong sản xuất kinh doanh. Ví như đường sắt đô thị, vận tải biển, hậu cần kinh tế biển; tái cấu trúc về thành phần, tích cực chuyển đổi thay thế Tập đoàn Nhà nước bằng những Tập đoàn tư nhân mạnh thế chân vào các lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhìn thấy các thế mạnh của nền kinh tế như mở rộng thị trường khi Việt Nam đang là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại. Nên tăng cường vào hợp tác quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế.

Đồng thời lưu ý, không được bỏ quên mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh... Chuyển đổi số phải gắn liền với quá trình quản lý nhà nước, quản lý hoạt động kinh doanh, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số, cho ra đời kinh tế số.

Thực tiễn đòi hỏi chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là có các gói kích thích kinh tế. Theo ông, triển khai các gói này thế nào cho hiệu quả. Với tình hình hiện nay, nên sử dụng chính sách tài khóa hay tiền tệ, hay phối kết hợp thế nào?

- Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi DN trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Phát triển về hạ tầng, logistic, công nghệ cho chuyển đổi số, nền tảng hạ tầng cho chuyển đổi số, các ngành phụ trợ tăng nội lực để giảm phụ thuộc vào bên ngoài, làm chủ sản xuất kinh doanh… Rõ ràng phải đầu tư vào để phát triển thành trụ cột.

Hỗ trợ bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Tiền phải đi vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh và những nguồn lực bổ sung đó phải đầu tư vào đúng lĩnh vực tạo ra trụ cột, chỗ đứng cho nền kinh tế. Giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế để tăng cường năng lực hấp thụ vốn; bảo đảm đúng mục đích cũng như yêu cầu công khai, minh bạch và hiệu quả.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ cho người dân, DN thì hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có ý nghĩa quan trọng không kém gói hỗ trợ về tài chính. Thời gian tới cải thiện môi trường kinh doanh cần có giải pháp gì đột phá?

- Rõ ràng cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế quản lý là một giải pháp khơi thông được các nguồn lực. Tạo thêm điều kiện để các nguồn lực phát triển. Như vậy, giải pháp này không cần phải tăng thêm nợ công hay nguồn tiền vay mà tự nó đã tạo ra khả năng khơi thông nguồn lực của DN và người dân. Nó không làm lãng phí mất cơ hội kinh doanh. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Trong giai đoạn tới, vấn đề đặt ra cải cách thể chế không phải là các biện pháp mà bấy lâu nay vẫn thực hiện là cắt, giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Và như vậy cải cách đó chỉ mang tính chất thay đổi chứ không mang tính đột phá. Muốn đột phá phải thay đổi phương thức quản lý. Tức là phải thay đổi tìm ra những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, cần gì và phải tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp đáp ứng yêu cầu đó. Và phải đi theo đáp ứng yêu cầu chứ không phải ngồi chờ DN, người dân đến xin xét duyệt để mà cho. Tức là phải thay đổi phương thức quản lý xin - cho sang phương thức phục vụ - đáp ứng. Đồng thời, cần thay đổi cơ chế đánh giá kết quả hiệu quả của cơ quan, cán bộ nhà nước. Không chỉ thực hiện đúng, đủ quy định quản lý nhà nước mà phải đánh giá bằng kết quả đầu ra, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, thỏa mãn được yêu cầu của DN và tạo ra được hiệu quả cho DN không…

Xin cảm ơn ông!

"Chúng ta tăng nợ công, tăng dư nợ tín dụng, giảm lãi suất để DN được tiếp cận hỗ trợ nhiều hơn nhưng mục tiêu của ta là vẫn phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển bền vững các khâu, ngành quan trọng then chốt của nền kinh tế phải được tập trung vào tạo ra các trụ cột phát triển không chỉ phục hồi trong năm 2021 - 2022 mà phải tạo ra trục hướng phát triển mới cho nền kinh tế để phát triển kinh tế. Do đó, đòi hỏi chương trình phục hồi phải gắn liền với phát triển bền vững." - GS.TS Hoàng Văn Cường.