Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần sự vào cuộc của mỗi người dân để đưa 2 bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu kết luận Phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Phiên giải trình đầu tiên năm 2018 của Thường trực HĐND TP đã được tổ chức đúng luật, hiệu quả và trách nhiệm.

Sáng 15/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội khóa XV tiến hành Phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP. Phiên giải trình được trực tuyến tại 30 điểm cầu các quận, huyện, thị xã.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Phiên giải trình.
Chủ đề giải trình tập trung vào việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) trong các cơ quan TP và ứng xử nơi công cộng, cùng với quản lý lễ hội trên địa bàn, đã được các đại biểu nghiên cứu, phát biểu rất tâm huyết, trí tuệ và được Nhân dân Thủ đô theo dõi. Trong 1 buổi sáng, đã có 16 đại biểu HĐND TP (ĐB) đặt câu hỏi với 18 lượt ý kiến, tăng 20%, cùng 16 lượt giải trình của các cơ quan liên quan, tăng 50% so với kỳ giải trình lần trước. Đặc biệt, đổi mới lần này còn có tham gia giải trình của 3 Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.

“Với tư cách Chủ tọa, tôi biểu dương tinh thần thẳng thắn, nhận thức đúng đắn của các đồng chí tham gia giải trình. Đại diện các sở ngành đã nhận thức đúng vi phạm, trách nhiệm của mình và từ trước phiên giải trình này đã có biện pháp khắc phục, xử lý CBCC rất nghiêm túc. Đặc biệt, ý kiến tiếp thu giải trình của Chủ tịch UBND TP tại đây với 15 nhóm giải pháp, trong đó dành 10 nhóm cho việc thực hiện quy tắc ứng xử của CBCCVC, thể hiện quyết tâm rất cao của người đứng đầu chính quyền TP trong xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, chất lượng và vì dân”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Đồng chí cũng cho rằng: Việc lựa chọn chủ đề phiên giải trình và cách tổ chức khoa học đã đáp ứng được yêu cầu phát triển đi lên của chính quyền TP, mong muốn của cử tri và Nhân dân Thủ đô.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh nói chung và 2 bộ quy tắc ứng xử nói riêng luôn được Thành ủy, HĐND, UBND các cấp quan tâm chỉ đạo, đặc biệt Thường vụ Thành ủy và Bí thư Thành ủy đã 2 lần trực tiếp nghe các chuyên đề về lĩnh vực văn hóa xã hội nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch nói riêng; UBND TP và Chủ tịch UBND TP đã ký 20 văn bản để chỉ đạo lĩnh vực này; Sở Nội vụ và các sở ngành đã kiểm tra xử lý vi phạm một cách nghiêm túc, từ đó tạo được chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình thể hiện nét đẹp của người Hà Nội, ứng xử trong CBCCVC và người dân thực sự có chuyển biến, đúng mực, hòa nhã; chất lượng công việc được nâng lên. Trong năm 2017, tỷ lệ hồ sơ hành chính của TP được giải quyết đúng, trước hạn đạt 97,33%; chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc (xếp thứ 14/63 tỉnh TP, cao nhất từ trước đến nay), chỉ số CCHC tăng 6 bậc so với 2016 và xếp thứ 3/63 tỉnh TP; Hà Nội cũng xếp thứ 2/63 tỉnh TP và tăng 1 bậc so với năm 2015 về mức độ sẵn sàng phát triển ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, việc quản lý lễ hội của các cấp cũng được quan tâm và có chuyển biến tích cực; một số hoạt động phản cảm trong lễ hội như tranh cướp lễ vật, đánh nhau… cũng từng bước được xóa bỏ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, đúng như ý kiến của Chủ tịch UBND TP, việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này sau 1 năm thực hiện vẫn đạt hiệu quả chưa cao, còn hiện tượng CBCCVC chưa hoàn thành nhiệm vụ, gây khó cho Nhân dân khi đến giao dịch hành chính; vẫn còn “cò mồi”…

“Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn chính từ sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền các cơ quan của hệ thống chính trị ở cơ sở chưa quyết liệt, công tác tuyên truyền chưa phù hợp, chưa đổi mới; chưa kiểm tra đôn đốc và xử lý kịp thời các vi phạm, cũng như chưa có chế tài phù hợp để xử lý những vi phạm khi thực hiện 2 bộ quy tắc, đặc biệt với CBCC, chưa phát huy được sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân”, đồng chí nêu rõ.
Để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử mà đi đầu là đội ngũ CBCCVC và NLĐ, xây dựng hình ảnh người Hà Nội nói chung thực sự đẹp trong mắt bạn bè quốc tế và người dân cả nước, xây dựng hình ảnh người CBCCVC TP là công bộc tận tụy, vì dân, cùng với 15 nhóm giải pháp của Chủ tịch UBND TP đã nêu, thời gian tới, HĐND TP đề nghị: UBND TP tiếp tục chỉ đạo các ngành triển khai đồng bộ Chương trình 04 của Thành ủy về “phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; rà soát từng chỉ tiêu và có giải pháp thực hiện hiệu quả từng chương trình.

Quang cảnh Phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội.
Thứ hai, cần tiếp tục chỉ đạo triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử trong CBCCVC cho hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, với mỗi quy tắc có nội dung hình thức phù hợp. Với quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan TP, đề nghị mỗi cơ quan niêm yết công khai và phát tới từng CBCCVC, NLĐ, lồng ghép nội dung của quy tắc vào các sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ của các phòng, ban, đơn vị. Đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đề nghị lồng ghép tuyên truyền, đưa tin thường xuyên, xây dựng video clip để tuyên truyền trên các cơ quan báo, đài của TP về những gương điển hình cũng như việc chưa tốt; xây dựng các tờ rơi, thiết kế bảng mẫu để tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân.

“Cần xây dựng các mô hình phù hợp cho việc triển khai 2 bộ quy tắc trong từng cơ quan đoàn thể, tổ dân phố; đưa việc tổ chức học tập 2 bộ quy tắc ứng xử vào sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, các hội nghị Nhân dân của MTTQ, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của từng CBCCVC, NLĐ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân.

Người Hà Nội tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội, từ đó rèn luyện bản thân mình, từ việc nhỏ nhất là ứng xử văn hóa với nhau ở mọi nơi mọi lúc để các quy tắc ứng xử dần trở thành thói quen và định hướng cho thái độ, hành vi xử lý của mỗi CBCCVC và người dân Thủ đô, góp phần gìn giữ phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô”, đồng chí nhấn mạnh và cũng yêu cầu: TP cần nghiên cứu phân cấp các lĩnh vực công việc nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và chủ động của chính quyền cơ sở trong triển khai các hoạt động tại địa phương mình. Đặc biệt quan tâm việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của địa phương; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất và tổ chức đánh giá sơ kết 6 tháng, 1 năm việc triển khai; đồng thời khắc phục ngay các tồn tại ở địa phương.

Các cấp ủy đảng, HĐND, chính quyền các cấp phải vào cuộc và xem đây là việc làm thường xuyên; kiểm tra, xử lý nghiêm hơn những vi phạm. Như Bí thư Thành ủy đã nói: Khi xảy ra vi phạm ở cấp dưới thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp dưới đó nhưng cũng xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ngay cấp trên trực tiếp (như các quận, huyện).

Bên cạnh đó, cần có cơ chế khen thưởng, hình thức động viên các gương người tốt việc tốt, những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; và xử lý nghiêm hơn, nhất là những CBCCVC có thái độ, hành vi ứng xử trái quy tắc và những cá nhân cố tình vi phạm. Đồng thời, TP cũng phát động toàn dân với tấm lòng yêu Thủ đô, vì Thủ đô tham gia thực hiện cuộc vận động ngay tại địa phương mình và tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện của CBCCVC.

“Nếu phát hiện những thái độ chưa đúng với quy tắc, đề nghị người dân có ý kiến phản ánh để đơn vị, cá nhân kịp thời sửa chữa”, Chủ tịch HĐND TP nói, và nhấn mạnh: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ở mọi nơi, mọi lúc, phải có sự vào cuộc của từng người dân Hà Nội, từng gia đình, từng đoàn thể và phải trở thành việc làm thường xuyên. Chính vì vậy, HĐND TP kêu gọi và mong muốn mỗi người dân Hà Nội hãy cùng chính quyền các cấp đưa 2 bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống, để Thủ đô Hà Nội luôn đẹp, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến.