Nhà ''siêu mỏng, siêu méo'' mọc lên sau dự án mở rộng đường Vành đai 3 trên tuyến Phạm Văn Đồng. Ảnh: Doãn Thành |
Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (năm 2016 là 13,5%, năm 2017 là 10,99% và năm 2018 là 5,22%). Điều đó cho thấy hiệu quả của lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD).Ðó cũng là con số đáng mừng, bởi trong nhiều năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến. Có những công trình vi phạm gây bức xúc dư luận, nên đã có những cán bộ quản lý bị kỷ luật, khiển trách, điều chuyển công tác. Như đầu tháng 5/2018, Chủ tịch UBND phường Mỹ Ðình 2, rồi Ðội trưởng TTXD (quận Nam Từ Liêm) bị đình chỉ công tác có thời hạn. Tuy nhiên, quá trình xử lý chưa triệt để, nhất là đối với công trình dạng nhà "siêu mỏng, siêu méo” và những công trình vi phạm trật tự xây dựng không đạt như kỳ vọng. Vẫn còn khoảng 100 trường hợp đang trong quá trình xử lý. Lãnh đạo Sở Xây dựng nhìn nhận, vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số công trình vi phạm tồn đọng từ những năm trước vẫn chưa được giải quyết xử lý dứt điểm. Cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý theo thẩm quyền 104 trường hợp. Nhưng vấn đề đáng bàn, hiện tượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” hiện vẫn chưa triệt tiêu được bởi nó vẫn xuất hiện ở những con đường mới mở hoặc mở rộng Vành đai 3, đoạn đường Phạm Văn Đồng, hay manh nha hình thành trên đường Trường Chinh và nếu quản lý không tốt thì còn mọc lên trên đường Vành đai 2, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Như lường trước, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2019 này, Sở sẽ triển khai có hiệu quả vấn đề cấp phép xây dựng trên địa bàn, tiến tới 100% các công trình trong đô thị và khu vực nông thôn đã có quy hoạch phân khu phải được cấp phép xây dựng; Xử lý, giải quyết triệt để các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên các tuyến đường mới mở còn tồn tại “siêu mỏng, siêu méo”; Không để phát sinh công trình xây dựng không đảm bảo kích thước hình học theo quy định khi triển khai những dự án giao thông...Động thái này thể hiện quyết tâm hành động trong việc thiết lập trật tự xây dựng, xử lý, không để phát sinh nhà “mỏng - méo”. Bởi chấn chỉnh, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội là rất cần thiết với một đô thị hiện đại, và cần có những hình thức xử lý mạnh tay. Nên chăng cơ quan chức năng công bố công khai các công trình, dự án có vi phạm về xây dựng, quy hoạch, như Cục Thuế Hà Nội đã và đang thực hiện đối với các DN nợ đọng thuế. Cùng với yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, cũng phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại, lực lượng TTXD khi để xảy ra sai phạm kéo dài, không xử lý dứt điểm.Thêm một kỳ vọng nữa là việc Hà Nội thực hiện thí điểm thành lập Ðội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Lực lượng này sẽ kiểm soát từ “gốc” các công trình xây dựng khi có điều kiện bám sát địa bàn và ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng ngay khi mới phát sinh. Tuy vậy, để ngăn vi phạm cũng cần có chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với người đứng đầu, buộc các Chủ tịch UBND quận, huyện thực thi trách nhiệm tốt hơn, bằng những hành động cụ thể, kiên quyết không nể nang, né tránh chứ không bằng những mệnh lệnh hành chính suông!