Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết có khung pháp lý ổn định cho hình thức đầu tư PPP

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra.

Như nhiều ý kiến nhận định, đây là Dự án Luật rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn nhưng ngân sách khó khăn, đi vay sẽ đứng trước nguy cơ nợ công tăng cao.
Tăng tính công khai, minh bạch
Theo thống kê của Chính phủ, thông qua mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cả nước đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư tư nhân để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng. Khi thẩm tra Dự Luật này, các đại biểu đều tán thành việc xây dựng Dự Luật riêng về vấn đề này là cần thiết, nhằm đảm bảo tính đặc thù của nhà đầu tư PPP, tạo khung pháp lý ổn định, lâu dài, tăng khả năng đầu tư các công trình, dịch vụ công.
 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Nhắc lại “phong trào BOT” mỗi nơi làm một kiểu, lộn xộn, để lại nhiều hậu quả thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, nguyên nhân do không có sự quản lý đúng đắn, hiệu quả, còn PPP về bản chất là tốt. Giờ có Luật đã quá muộn nhưng muộn còn hơn không.
Trong đó, tính công khai, minh bạch của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là yêu cầu đầu tiên được lưu ý khi xây dựng Dự Luật. Đặc biệt, đối tượng sử dụng dịch vụ là người dân và DN cần được tham vấn và giải trình các giai đoạn triển khai dự án, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, chủ đầu tư... Dự Luật đã có quy định về công khai thông tin, tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ hơn.
Xử lý hài hòa các quy định liên quan
Khi góp ý Dự Luật, có ý kiến cho rằng, một trong những "nút thắt" quan trọng mà trước đây còn tồn tại trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là việc lựa chọn nhà thầu đều theo hình thức chỉ định.
Trong tương lai, việc này cần được thực hiện minh bạch, chặt chẽ hơn nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, giải quyết căn cơ vấn đề nhằm đảm bảo hài hòa mối quan hệ công tư, tránh tạo ra kẽ hở về mặt pháp luật, gây khó khăn trong việc thực hiện. Đồng thời, vì các quy định có liên quan đến nhiều luật như: Dân sự; Đầu tư; Đầu tư công; Đất đai; Xây dựng; Đấu thầu; Ngân sách Nhà nước… do đó cần xử lý hài hòa, tránh chồng chéo.
Liên quan đến các cơ chế bảo đảm của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ giám sát các dự án BOT giao thông, thực chất là chỉ định thầu, nếu doanh thu không đủ thì lại điều chỉnh giá.
Luật PPP cần phải đấu thầu, mà đã đấu thầu thì phải lời ăn lỗ chịu và Nhà nước có chia sẻ rủi ro trong trường hợp bất khả kháng, nhưng thế nào là bất khả kháng thì phải quy định rõ trong luật. “Đã đấu thầu thì lời ăn lỗ chịu chứ không thể như thời gian vừa qua, doanh thu không đạt thì tăng vé, tăng thời gian thu phí” - đại biểu nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh ban soạn thảo cần quan tâm đến khâu thẩm định dự án để chọn được dự án tốt, loại bỏ dự án tồi và có cơ chế bảo đảm, bảo lãnh cho nhà đầu tư dự án PPP.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vô cùng lớn, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn nên phải đẩy mạnh xã hội hóa, đẩy mạnh các hình thức kêu gọi tư nhân đầu tư. Muốn vậy phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có việc xây dựng Luật PPP.

Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư gồm 12 chương với 117 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành đã áp dụng hiệu quả, ổn định, gồm: Lĩnh vực đầu tư, trình tự thực hiện dự án, các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật áp dụng.

Bên cạnh đó, nâng cấp, bổ sung một số nội dung mới như: Quy mô dự án áp dụng, phân loại dự án; nguyên tắc áp dụng loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án nâng cấp, cải tạo; quyết toán công trình dự án và cơ chế giám sát…