Thực trạng báo chí hiện nay
Trên thực tế, tài chính của các cơ quan báo chí đang tồn tại 3 cơ chế: Ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ; ngân sách bao cấp một phần, tự cân đối chi; tự chủ hoàn toàn phần về tài chính. Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày báo Kinh tế & Đô thị tại Hội báo Xuân toàn quốc. Ảnh: Thanh Hải |
Đáng nói, các cơ quan báo chí hiện đang phải đối diện với nghịch lý là mặc dù có cơ chế tài chính giống như DN, cũng phải lo kinh phí vận hành bộ máy như chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... và phải gánh nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng nội dung thông tin, hoạt động theo Luật Báo chí. Không thể vì chuyện doanh thu giảm mà dừng sản xuất báo, hay vì tăng doanh thu mà bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích.
Nguồn lực báo chí và những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh. Theo thống kê, năm 2019, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm. Tổng doanh thu báo chí in là 3.508 tỷ đồng, giảm 3,9% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo 1.227 tỷ đồng, giảm 5,6% so với năm 2018.
Tuy nhiên, năm 2019 tổng doanh thu của báo chí điện tử đạt 1415 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo tăng 13,2%. Dù vậy, con số này vẫn xếp sau mạng xã hội. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện các DN lựa chọn quảng cáo trên các mạng xã hội đang chiếm đến 70% và thời gian tới còn xu hướng tăng do hiệu quả cao hơn. Cụ thể, quảng cáo trên Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD.
Vậy tòa soạn báo, tạp chí sẽ “trụ” thế nào trước vòng xoáy đó? Nhất là khi đại dịch Covid-19? Với trường hợp của báo Kinh tế & Đô thị chúng tôi, được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về chi đầu tư, tự cân đối thu - chi cho các hoạt động thường xuyên, sau đại dịch Covid-19, để đối phó với những khó khăn, Báo đã phải cắt giảm 15% đối với các khoản chi phí thường xuyên không cần thiết và giữ nguyên lương, nhuận bút của các cán bộ, phóng viên, nhân viên. Tuy nhiên, nếu tình hình xấu hơn, câu chuyện cắt giảm sẽ phải tính tiếp.
Về ưu đãi thuế thu nhập DN đối với cơ quan báo chí: Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC thì các cơ quan báo chỉ được ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN là 10% (mức bình thường là 20%) đối với doanh thu bán báo in và quảng cáo trên báo in, còn quảng cáo trên báo điện tử vẫn là 20%. Tuy nhiên, hiện nay doanh thu báo in các cơ quan báo chí đều giảm mạnh, nên các DN hầu như đã chuyển sang quảng cáo trên báo điện tử.
Từ thực tế đó, rõ ràng báo chí để tồn tại bền vững, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ tuyên truyền thì cần phải tìm cách gia tăng nguồn thu.
Giải pháp tăng nguồn thu
Theo Luật Báo chí năm 2016, nguồn thu của cơ quan báo chí gồm: Nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp; Thu từ bán báo, bản quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; Thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí; Nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí phát huy được tất cả nguồn thu mà luật cho phép thì vẫn nhiều cơ quan báo chí chưa phát huy được hết các nguồn thu này. Do đó, việc đa dạng hóa nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự trường tồn của các tòa soạn hiện nay. Và để làm được điều đó, rõ ràng báo chí cần hoạt động một cách chuyên nghiệp. Trong đó, việc nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả; tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, tổ chức đơn vị kinh doanh trực thuộc nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng...
Cách đây khoảng chục năm, báo Kinh tế & Đô thị của chúng tôi chỉ có 2 nguồn thu chính: Nhà nước đặt hàng và phát hành báo. Đến nay có thêm 3 - 4 nguồn thu mới mang tính chủ lực, đó là quảng cáo, tổ chức sự kiện, liên kết… Thay vì chú trọng báo in thì nay, Kinh tế & Đô thị đã đa dạng hóa sản phẩm, phát triển truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh phát triển tòa soạn hội tụ. Phóng viên, biên tập viên có thể làm được tất cả các thể loại, loại hình báo chí, thực hiện tất cả các vai để tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm, hỗ trợ phát hành và làm quảng cáo truyền thông. Tôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, báo chí chúng ta trước tiên phải tự cứu lấy mình thay vì ngồi chờ "trời" cứu.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chúc mừng báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng |
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Bên cạnh sự nỗ lực đổi mới không ngừng, sự vận động tự thân, báo chí rất cần sự quan tâm một cách thiết thực từ phía Nhà nước.
Thứ nhất, Chính phủ, địa phương cùng các cơ quan chức năng cần có những chính sách cụ thể, minh bạch và đồng bộ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí. Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cần được xác lập công khai, minh bạch đi đôi với việc bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ, xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với báo chí - truyền thông. Nhà nước không nên áp dụng chung cơ chế tài chính của cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để cơ quan báo chí được kinh doanh công khai, minh bạch. Báo chí hiện được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, kinh doanh có điều kiện cần được dựa vào tiêu chí quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, chứ không phải là vì các ngành, nghề này đã có trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Song hiện nay, quy định liên quan đến yếu tố kinh doanh của báo chí lại đang thực hiện theo Luật Báo chí 2016. Khoản 7 Điều 3 Luật Báo chí 2016 quy định “sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”.
“Kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ là hoạt động kinh doanh với phạm vi rất rộng liên quan đến các sản phẩm trên và có sự chồng lấn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác, ví dụ: “Kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; “kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm”; “kinh doanh dịch vụ mạng xã hội”; “kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”… và có khả năng bao gồm với cả những hoạt động kinh doanh không nhất thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh (ví dụ: Buôn bán các loại ấn phẩm…).
Tuy nhiên, “kinh doanh sản phẩm báo chí” là khái niệm không được nhắc đến trong Luật Báo chí, vì vậy không rõ hoạt động kinh doanh này như thế nào, các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao?
Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế đối với báo chí. Báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Xét về cả tính chất, chức năng và nội dung hoạt động, cơ quan báo chí không thể được xem là một DN thuần túy, bởi vì DN được thành lập là để kinh doanh còn cơ quan báo chí phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là một thứ sản phẩm có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ, sản phẩm báo chí là sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao. Do đó, cần có cơ chế ưu đãi về thuế TNDN đối với quảng cáo trên báo điện tử như quảng cáo trên báo in 10%.
Thứ tư, cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí. Hiện nay, các nhà mạng đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Nghịch lý là, để có tác phẩm báo chí tốt, chất lượng tới bạn đọc điện tử, tòa soạn báo đã phải chi rất nhiều khoản chi phí nhưng lại không thu được kinh phí từ việc này. Bạn đọc đang đọc báo điện tử miễn phí, chỉ phải trả tiền mạng. Do đó, cần có chính sách win - win giữa nhà mạng và báo điện tử về vấn đề chia sẻ lợi nhuận.
Thứ năm, để báo chí kiện toàn, hoạt động chuyên nghiệp hơn, Nhà nước, cơ quan chủ quản cần quan tâm đến bồi dưỡng, đào tạo nhân sự quản lý, nhân sự kinh doanh cho báo chí. Hiện chúng ta mới chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên là chủ yếu. Nhân sự kinh doanh báo chí vẫn đang ở tình trạng chắp vá về kiến thức và kiêm nghiệm hoặc là nghề tay trái nên hiệu quả không cao. Trong những năm gần đây, đối với những cơ quan báo chí tự chủ chi thường xuyên đã không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nên gặp khó khăn.