Hiệu quả rõ rệt
Trong quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, qua kiểm tra tải trọng bằng cân xách tay, trạm cân di dộng đã phát hiện nhiều phương tiện vận tải đã thay đổi thiết kế thùng xe (cơi nới thùng xe) chở vật liệu vượt tải trọng thiết kế.
Điều này dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng móng, mặt đường, giảm tuổi thọ công trình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tăng gánh năng ngân sách do phải thường xuyên duy tu, sửa chữa mặt đường.
Bên cạnh đó, xe quá tải đẩy người dân vào cảnh sống bất an, khổ sở khi ở nhiều tuyến đường, mỗi khi xe tải chạy qua, mặt đường vươn vãi đất cát, bụi bẩn, nhà cửa rung bần bật cả ngày lẫn đêm. Với những ai di chuyển trên đường, đều phải nép sát mép đường hoặc gốc cây, chờ cho đến khi xe qua mới dám đi.
Vào ngày 15/8, hệ thống cân tải trọng xe tự động trên QL5 bắt đầu hoạt động. Trước khi áp dụng hình thức xử phạt theo hệ thống mới, đã ghi nhận xe với khối lượng vượt 10% chiếm 6,4%, 40 xe vượt trọng tải 50 - 150%.
Từ ngày đưa vào hoạt động, phát hiện 12 xe quá tải, chiếm 0,4%, sau đó xe vi phạm giảm dần trong 2 ngày tiếp theo, đặc biệt không có vi phạm mức từ trên 30% trở lên. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, xe quá tải trên tuyến đã giảm 21% (từ 6,4% xuống còn 0.3%).
Hệ thống cân tải trọng xe tự động hoạt động với nguyên lý khi xe quá tải chạy qua tuyến đường, đặt dưới mặt đường là thiết bị cảm ứng, camera tự động chụp lại biển số xe đi qua các thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hoá được phép chở... Hệ thống sẽ tính toán xem mức độ vi phạm và từ đó làm căn cứ, dữ liệu để tiến hành xử phạt.
Với ưu điểm hoàn toàn tự động, không cần người giám sát tại hiện trường sẽ tránh được tình trạng can thiệp vào kết quả. Tất cả dữ liệu về tải trọng xe sẽ được chuyển về cơ quan chức năng để phân tích và lưu trong nhiều năm.
Có thể nhân rộng
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, nếu được khảo sát kỹ lưỡng và lắp đặt tại các vị trí huyết mạch có lưu lượng phương tiện kinh doanh vận tải hàng hoá lớn, hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe sẽ kiểm soát hiệu quả phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông, góp phần kiểm soát tải trọng phương tiện, nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn công trình đường bộ.
Việc lắp đặt này cũng nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp, ông Phạm Trọng Tuấn - chủ của một công ty vận tải tại phường Bạch Đằng cho rằng, việc lắp đặt hệ thống cân tải trọng xe tự động là điều cần thiết để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về tải trọng, góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ; giảm gánh nặng cho ngân sách trong việc duy tu, bảo trì.
"Điều này sẽ thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động vận tải, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá cước vận tải; hạn chế tai nạn, mất an toàn giao thông đường bộ" - ông Phạm Trọng Tuấn cho biết.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã cho phép nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ (15 vị trí) bằng nguồn vốn ngân sách TP theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
Theo đó, đề xuất lắp đặt trạm cân tự động tại đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh (đầu cầu tầng 2 bờ Bắc cầu Thăng Long), 14 vị trí trọng điểm còn lại cần được ưu tiên lắp đặt ngay tại các tuyến đường gồm: Đường Tây Tựu (đường 70), đường Lĩnh Nam, QL3, QL2, QL21, QL21B, QL32, QL6, QL1A, đường đi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đường 429, đường Hồ Chí Minh…