Đua nhau tăng vốn HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (mã CTX) vừa thông qua phương án phát hành gần 23,65 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá để nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ đầu tư vào các dự án của đơn vị và bổ sung nguồn vốn lưu động. Công ty CP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (mã SHN) đang xin ý kiến cổ đông phát hành thêm 25 triệu CP để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, còn phát hành thêm 5 triệu CP để cơ cấu lại các khoản nợ của công ty. Tiền huy động được sẽ dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh và các dự án dở dang của công ty. Công ty CP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (mã PGD) dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 429 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng thông qua việc phát hành 17,1 triệu CP. Đó mới là những DN đã lên kế hoạch tăng vốn cụ thể, còn rất nhiều DN trước thềm ĐHCĐ năm nay đang tính đến phương án tăng vốn. Thậm chí có cả những DN chấp nhận phát hành dưới mệnh giá nhằm mục đích có tiền.
Khách hàng theo dõi diễn biến của phiên giao dịch tại sàn chứng khoán. Ảnh: Internet. |
Cẩn tắc vô áy náy Việc huy động vốn qua TTCK là phương án được nhiều DN lựa chọn, bởi đây là nguồn vốn dài hạn, DN không chịu áp lực trả lãi và bị siết nợ như vay vốn ngân hàng. Trường hợp DN làm ăn hiệu quả, sử dụng đúng mục đích đồng vốn huy động được và có tiền trả cổ tức cho cổ đông thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít DN lợi dụng TTCK để huy động vốn, sau đó kinh doanh thua lỗ khiến cổ đông gần như mất trắng khoản tiền đã đầu tư. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN) sau khi lên sàn đã huy động vốn từ cổ đông và tăng vốn lên 350 tỷ đồng. Sau đó đã sử dụng phần lớn số tiền huy động được đầu tư vào dự án Thanh Hà Cienco khi mới còn trên giấy và bị vướng khoản nợ khó đòi tới hàng trăm tỷ đồng. SHN sau đó thua lỗ liên tục, có quý lỗ hàng trăm tỷ đồng. Giá CP SHN có lúc rớt xuống 800 đồng/CP. Điều này có nghĩa cổ đông đã gần như mất trắng. Vậy mà trong đợt sóng chứng khoán đầu năm nay, DN không có tin gì tốt, hoạt động kinh doanh cũng chưa có tiến triển, giá CP tăng vù vù lên 5.500 đồng/CP.Còn FIT là DN mới lên sàn, thu nhập trên mỗi CP chỉ được khoảng vài trăm đồng. PE thuộc mức cao nhất sàn, vậy mà giá CP được đẩy lên tới 17.000 đồng/CP. Nếu xét các tiêu chí thì còn nhiều CP trên sàn an toàn hơn rất nhiều so với đầu tư mua CP của DN này. Vậy mà DN đưa ra phương án huy động vốn tới gần 250 tỷ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ hiện có là 150 tỷ đồng. Nhìn một cách trực diện, việc mua hay không CP phát hành thêm của DN là quyền của mỗi cổ đông. Tuy nhiên, trong DN các cổ đông lớn đồng thời là chủ DN lại là những người sử dụng khoản vốn huy động được. Tại Việt Nam chưa có cơ chế nào để kiểm tra tài khoản mua CP có được chuyển đủ tiền hay không. Không thiếu trường hợp, cổ đông lớn lợi dụng cổ đông nhỏ lẻ đưa tiền vào DN và sử dụng không đúng mục đích cũng như không hiệu quả đồng vốn đó. Ngay Ủy ban Chứng khoán hiện có quy định DN phải công bố việc sử dụng vốn huy động được qua TTCK 6 tháng/lần, nhưng từ trước đến nay, số DN công bố việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay mà cơ quan quản lý cũng không có chế tài xử lý. Vay vốn ngân hàng thời điểm này tuy không quá khó nhưng với những DN làm ăn bết bát việc này gần như bất khả thi. Vậy nên, mùa ĐHCĐ năm nay được dự báo sẽ có nhiều DN đưa ra phương án huy động vốn, thậm chí chấp nhận cả huy động dưới mệnh giá và ghi giảm vốn điều lệ. Tuy nhiên, hơn ai hết nhà đầu tư nên tỉnh táo không bỏ thêm vốn vào những DN làm ăn kém hiệu quả để tự bảo vệ chính mình.