Grab là vận tải taxi
Theo Vinasun Corp., tuy có một số thay đổi điều chỉnh nhưng những quy định về xe hợp đồng điện tử, thời hạn áp dụng... những điều này đang tạo ra sự hoang mang, lo lắng trong các doanh nghiệp và xã hội vì gần như là sự hợp pháp hoá cho hoạt động của taxi Grab từ trước tới giờ.
Tại Điều 7 quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, Vinasun Corp. đề nghị bỏ quy định về xe vận tải hợp đồng điện tử, xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi. Bởi, hàng trăm triệu cuốc xe Grab, Uber đều không có hợp đồng vận tải điện tử nào được ký kết; gây thất thoát thuế lớn; không xác định được người chịu trách nhiệm về an toàn chuyến đi; làm tăng lưu lượng giao thông trong thành phố, phá vỡ quy hoạch taxi nội đô...
Cùng với đó hợp pháp hoá vận tải hợp đồng điện tử tạo điều kiện cho Grab củng cố vị thế độc quyền, lũng đoạn thị trường, chèn ép tài xế, tiêu diệt các doanh nghiệp taxi...
Theo Vinasun Corp., việc bổ sung loại hình taxi điện tử nhưng chưa có phương án triển khai chi tiết sẽ gây náo loạn thị trường vận tải taxi. Cụ thể, Vinasun Corp. băn khoăn, việc cấp phép cho taxi điện tử như thế nào?, Phù hiệu Taxi điện tử cấp phép cho ai?, Taxi điện tử gắn với một phần mềm cố định hay có thể chạy nhiều phần mềm khác nhau?, Giá cước của taxi điện tử có phải đăng ký hay không?, Taxi điện tử có bị khống chế số lượng hay không?, Các hợp tác xã vận tải taxi công nghệ có phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh taxi không?...
Việc ứng dụng tính năng đặt xe qua ứng dụng di động, hay ký hợp đồng bằng email, dữ liệu điện tử chỉ là bổ sung tiện ích cho dịch vụ chứ không làm thay đổi bản chất dịch vụ, không làm thay đổi quan hệ giữa các bên giao dịch. Do vậy, Vinasun Corp. kiến nghị nên mở rộng nội hàm của taxi, hợp đồng để bao hàm tiện ích mới chứ không nên bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử.
Cần đánh giá lại đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử
Trước đó, ngày 26/7, Vinasun Corp. cũng đã gửi bản kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân liên quan đến việc đánh giá Đề án thí điểm Quyết định 24 và sửa đổi Nghị định 86 về xe hợp đồng điện tử.
Theo Vinasun Corp., Bộ GTVT không đảm bảo cơ sở thực tiễn, khoa học và khách quan, cố tình bảo vệ và đánh giá sai lệch về Đề án thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và Công ty TNHH Grab Taxi theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.
Cụ thể, sau khi Bộ GTVT ban hành Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 phê duyệt Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, số lượng xe đăng ký kinh doanh theo hình thức xe hợp đồng đã tăng đột biến từ 177 xe (thời điểm năm 2014) lên hơn 34.562 xe (cuối năm 2017). Từ đó, đẩy số lượng phương tiện tham gia thị trường vận tải bằng ô tô dưới 9 chỗ tại TP Hồ Chí Minh lên tới hơn 44.167 xe vào thời điểm cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, trước khi có Đề án thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT tại TP Hồ Chí Minh xe hợp đồng là xe hợp đồng. Sau khi có Quyết định 24/QĐ-BGTVT ra đời mô hình xe hợp đồng điện tử. Hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo, bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi.
Mặt khác, hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết chứ không phải mô hình kinh doanh và không đúng quy định về xe hợp đồng. Hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 59/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Với Đề án thí điểm Quyết định 24 và sửa đổi Nghị định 86 đã làm sai lệch mô hình Hợp tác xã (HTX) vận tải và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo ra những hệ luỵ lâu dài về pháp lý và hoạt động HTX liên quan thuế, quan hệ xã viên, tài sản và lao động. Theo đó, tính đến đầu tháng 1-2018, riêng TP Hồ Chí Minh có gần 120 HTX vận tải quản lý gần 21.000 xe theo mô hình hợp đồng điện tử với Grab. Điển hình có hàng loạt hợp tác vận tải quản lý tới 4.000 – 5.000 xe mỗi hợp tác xã. Điều đáng nói, các HTX này không hề quản lý phương tiện, xã viên, mà chỉ cung cấp “dịch vụ” giấy tờ. Các xã viên sau khi nộp một khoản phí hàng năm thì được cấp phù hiệu xe hợp đồng để chạy xe Uber, Grab. HTX không quản lý nhân thân, hành trình phục vụ khách hàng, nghĩa vụ thuế, bảo hiểm của lái xe. Các xã viên là lái xe cũng không có quan hệ gì với HTX, không có bất cứ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi gì với HTX…
Cuối cùng là gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Theo Vinasun Corp., báo cáo số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, sau 2 năm thí điểm lỗ 938 tỷ, nộp thuế 9,5 tỷ. Trong khi đó, Vinasun nộp ngân sách Nhà nước 3 năm (2014- 2016) là 1.200 tỷ và trong năm 2017 vẫn là đơn vị chủ lực nộp ngân sách nhà nước...
Góp ý đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Hiệp hội Taxi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng nêu ra 5 nội dung cần sửa đổi. Cụ thể, một là Nghị định 86 có 3 loại hình dưới 9 chỗ cần phải định danh rõ ràng, khái niệm chính xác để tránh kinh doanh lộn sân, khó kiểm tra, quản lý, bởi xét về bản chất xe hợp đồng điện tử chính là xe taxi. Hai là đưa loại hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử vào diện phải kê khai giá. Ba là quy định rõ doanh nghiệp cung cấp phần mềm có quyền bỏ tiền và trực tiếp tổ chức khuyến mãi sản phẩm của doanh nghiệp vận tải không?... Bốn là đề nghị Bộ GTVT ủng hộ đề nghị của các hiệp hội taxi, kiến nghị Bộ Công an và bổ sung quy định về mầu sắc biển kiểm soát đối với kinh doanh vận tải theo hướng tất cả các xe kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển kiểm soát có 1 mầu riêng (mầu vàng) sẽ thuận tiện hơn trong việc quản lý và điều hành giao thông. Năm là giảm các điều kiện trói buộc hoặc bãi bỏ như: Chu kỳ kiểm định xe cơ giới bị rút ngắn còn 12 tháng là không phù hợp, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp taxi, đề nghị quay trở lại chu kỳ kiểm định như trước đây (thông tư 56) là chu kỳ 24 tháng với xe mới và 12 tháng tiếp theo cho xe đã qua sử dụng… |