Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng tại Đông Bắc Á: Khó giảm nhiệt

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hàn Quốc phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa với tầm phóng khoảng 800km nhằm đáp trả vụ CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á khó "giảm nhiệt".

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa được phóng thành công có khả năng nhằm vào bất cứ mục tiêu nào tại CHDCND Triều Tiên. Đây được cho là hành động “đáp trả” của chính quyền Seoul đối với Bình Nhưỡng, sau khi CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa Pukguksong - 2, ngày 5/4. 

 Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.

Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền Washington được cho là đang theo đuổi chính sách ngày càng cứng rắn trước vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khi Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, Mỹ sẽ nâng cao năng lực quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, nước Mỹ tuyên bố sẽ lựa chọn biện pháp cứng rắn hơn có thể về mặt kinh tế.

Cụ thể, Mỹ đã ban hành lệnh cấm vận với một số công ty của Trung Quốc có mối liên hệ làm ăn với CHDCND Triều Tiên và đã mang lại hiệu quả nhất định. Dự đoán, động thái từ phía Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, nhiều khả năng sẽ khiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này có nguy cơ bế tắc và hai bên không đạt được thỏa thuận cụ thể quan trọng. Bởi lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì sự ổn định ở Triều Tiên vẫn không thay đổi, do đó áp lực của Bắc Kinh sẽ bị hạn chế và chỉ có tính chất nhất thời.

Những đặc thù của một khu vực hội tụ nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen trên cả bình diện song phương và đa phương, “bàn cờ” Đông Bắc Á đang bày “thế” khó cho tất cả các bên liên quan. Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đều sẵn sàng tham gia để giải “thế cờ” khó hiện nay tại khu vực nhằm cùng cố vị thế. Dù có bộ máy chính quyền mới nhưng nhìn chung, Mỹ sẽ vẫn theo đuổi tìm kiếm lợi ích tại châu Á - Thái Bình Dương do khu vực này có vị trí hết sức quan trọng đối với chính trị và kinh tế của nước Mỹ.

Tuy nhiên, những thách thức mà Mỹ phải can dự ở khu vực này đang ngày càng lớn khi bài toán hạt nhân của Triều Tiên ngày càng khó giải với sự tham gia của các bên như Trung Quốc, Nga. Quan trọng, làm thế nào Washington có thể thuyết phục Bắc Kinh giải quyết các vấn đề cơ bản xảy ra giữa họ và Bình Nhưỡng, trong khi đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc từng tuyên bố rằng, nếu muốn họ hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, thì Mỹ phải rút lại quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế Mỹ vẫn đẩy nhanh quá trình triển khai THAAD và khẳng định dự án sẽ hoàn thành vào mùa hè tới. Những mâu thuẫn giữa các nước lớn chính là một trong những căn nguyên khiến tình hình khu vực Đông Bắc Á sẽ tiếp tục "nóng" trong một thời gian dài và khó giải quyết hơn bao giờ hết.