Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo ATGT đường sắt: Sớm khắc phục những lỗ hổng

Hải Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hiện đại hóa tín hiệu cảnh báo ATGT đường sắt đã trở thành nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh tai nạn gia tăng nhanh hiện nay.

Thế nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn tỏ ra khá thờ ơ trước những lỗ hổng chết người trong vận hành, đảm bảo ATGT đường sắt.
Vừa yếu vừa thiếu
Khoảng 5 giờ sáng ngày 24/10, xe ô tô BKS: 30A - 602.25, khi cố vượt qua đường sắt đoạn Km15+380, Khu gian Thường Tín - Văn Điển, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, đã bị tàu SE2 đâm văng khỏi đường ngang. Hậu quả 6 người chết, 1 người bị thương nặng. Những tai nạn thương tâm như thế này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Sau mỗi vụ việc, dư luận lại đặt ra những câu hỏi bức thiết về tình trạng đường ngang giao cắt thiếu gác chắn, thiếu nhân viên, hỏng đèn tín hiệu… và rồi tất cả tiếp tục rơi vào im lặng, quên lãng.

Một trạm gác barie trên đường Giải Phóng.  Ảnh:  Quỳnh Linh

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thừa nhận, trong những năm gần đây tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường sắt. Ông Hoạch nói: “Phần lớn các tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ và đi qua các khu đô thị, khu công nghiệp đông dân cư, kéo theo sự phát triển bùng nổ các điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ. Tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%. Bình quân có 1,85 lối giao cắt/1km đường sắt. Đây chính là các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao”.
Theo báo cáo của VNR, hiện nay, trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, gồm 1.514 đường ngang và 4.279 lối đi dân sinh. Nhưng mới chỉ 641 đường ngang có người gác, 366 đường ngang có cảnh báo tự động, còn lại 507 đường ngang chỉ sử dụng biển báo; còn các lối đi dân sinh hầu như vẫn bị bỏ ngỏ. Hàng nghìn lối đi cận kề “tử thần” này không có người gác chắn hay bất kỳ thiết bị cảnh báo nào. Mỗi khi ngành đường sắt tiến hành đóng các lối đi dân sinh, người dân ở hai bên đường lại sẵn sàng mở lối tắt khác băng qua đường sắt để đi lại cho tiện. Theo quan sát, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Nội hiện tồn tại rất nhiều các điểm giao cắt san sát, hai bên hành lang đường sắt người dân chiếm dụng không còn khoảng trống, tiềm ẩn vô vàn nguy cơ xảy ra TNGT.
Nhiều việc phải làm
Ngành đường sắt đang xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, kinh phí dự tính hơn 1 triệu tỷ đồng, để trình Chính phủ thẩm định vào năm 2018, sau đó trình Quốc hội xin chủ trương. Tuy vậy, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu không giải quyết được bài toán đường ngang giao cắt sẽ không có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chẳng những ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu, đường ngang, lối đi dân sinh còn là những cái bẫy rình rập đầy hiểm họa đối với cả người tham giao thông đường bộ lẫn hành khách đi tàu. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng giao cắt tự phát, thiếu hệ thống cảnh báo an toàn trên đường sắt rồi mới có thể tính đến việc phát triển đường sắt an toàn, ổn định và hiệu quả.
Ông Đoàn Duy Hoạch cho hay, VNR đã lên kế hoạch nâng cao ATGT đường ngang, lối đi dân sinh. Cụ thể, với đường ngang có người gác giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh sẽ lắp đặt tín hiệu ngăn đường trên đường sắt, những đường ngang có tầm nhìn hạn chế lắp đặt thêm thiết bị báo tàu gần đến đường ngang. Lắp đặt tín hiệu đường bộ có cần vươn ra giữa làn đường bộ đi vào đường ngang để người tham gia giao thông đường bộ nhìn thấy từ xa. Xây gờ giảm tốc bắt buộc trên đường bộ trước khi vào đường ngang để hạn chế tốc độ của phương tiện giao thông đường bộ cho các đường ngang. Còn với các đường ngang nội bộ, các đường ngang tự phát, VNR đề nghị chủ thể, DN, chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị đường sắt sở tại để tổ chức rào chắn hạn chế phương tiện giao thông đường bộ; cảnh giới, chốt gác 24/24 giờ. Với đường ngang cảnh báo tự động, VNR sẽ lắp đặt toàn bộ hệ thống cần chắn tự động cho toàn bộ các đường ngang.
Từ năm 2013 đến nay, VNR đã xóa bỏ được 155 điểm giao cắt, lối đi dân sinh; xây dựng được 51.920/79.880km đường gom và xây dựng 55,24 km hàng rào cách ly. Triển khai lắp đặt cần chắn tự động tại 102/366 đường ngang cảnh báo tự động; Lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, giàn chắn tại 153/641 đường ngang có gác. Bên cạnh đó, VNR cũng phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cắm được 2.702 biển “chú ý tầu hỏa ”; cắm biển cấm phương tiện cơ giới ở 99 vị trí; thu hẹp 689 lối đi dân sinh. Hướng dẫn nghiệp vụ cho người địa phương tham gia cảnh giới hoặc chốt gác; Kết nối tín hiệu giao thông đường bộ - đường sắt tại các vị trí đường ngang; Hướng dẫn tạo mặt lát êm thuận tại 101 vị trí lối đi. Mặc dù vậy, VNR vẫn khẳng định rằng quan trọng hơn cả là gấp rút xây dựng hệ thống đường gom, đồng thời rà soát để đóng, tháo dỡ các lối đi dân sinh tự mở trái phép.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 300 vụ TNGT liên quan đến đường sắt, trong đó có 291 vụ (chiếm 97%) xảy ra tại các đường ngang, trên đường sắt và dọc các tuyến đường sắt.