Bà Marina Romanello, trưởng nhóm tác giả của báo cáo thường niên này cho biết: “Thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng nhưng đồng thời lại đặt chính sức khoẻ của chúng ta trước các rủi ro”.
Các tác động của khí hậu đối với sức khỏe được xác định trong báo cáo bao gồm việc thời tiết nóng bức có thể làm gia tăng tình trạng bạo lực và ảnh hưởng tới giấc ngủ. Khói từ cháy rừng có thể gây ra các bệnh về phổi ở những khu vực cách hàng nghìn km, hay lũ lụt gia tăng tỉ lệ tự tử và các bệnh về tâm lý. Trong khi đó, tình trạng ấm lên trong mùa đông sẽ thúc đẩy các bệnh truyền nhiễm thông qua muỗi và các loại côn trùng.
Thực tế cho thấy, tình trạng thời tiết ngày càng khắc nghiệt đã trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm triệu người dân trên toàn cầu.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, đã có 22 thảm họa liên quan đến khí hậu trong năm ngoái và gây ra thiệt hại lên tới hơn một tỷ đô la.
Đầu mùa hè năm nay, hàng trăm người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng kỷ lục ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với mức nhiệt lên đến gần 50 độ C. Các nhà khoa học cho rằng việc này không thể xảy ra nếu như không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Jeremy Hess, bác sĩ kiêm giáo sư khoa học về sức khỏe và nghề nghiệp tại Đại học Washington cho biết: “Trong năm nay, tôi và các bệnh nhân của mình đã cảm nhận rất rõ tác động của biến đổi khí hậu”.
“Các nhân viên y tế đã bị bỏng đầu gối lúc quỳ xuống nền vỉa hè nóng rực khi chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ vì sốc nhiệt. Và tôi đã thấy quá nhiều bệnh nhân tử vong do tiếp xúc với nền nhiệt độ cao”, ông chia sẻ thêm.
Hành động khẩn thiết từ các nền kinh tế lớn
Vào đầu năm, hơn 200 tạp chí y tế trên thế giới đã đưa ra một tuyên bố chung: biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất” đối với sức khỏe toàn cầu và kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu thế giới hành động nhiều hơn nữa để giảm mối nguy này.
Cuối tháng này, các nhà lãnh đạo thế giới, các nhóm khí hậu và nhà tài chính sẽ gặp nhau tại Glasgow trong hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Cop26 ở Glasgow, Scotland nhằm thống nhất về một hướng đi tới một tương lai bền vững hơn.
Đặc phái viên về khí hậu của chính quyền Biden, John Kerry, gọi hội nghị là “hy vọng cuối cùng để thế giới cùng hành động”.
Mục tiêu hiện nay là giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C trong khi nhiệt độ thế giới đã nóng lên trung bình 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các tác giả báo cáo The Lancet cảnh báo rằng “sẽ không có mức tăng nhiệt độ an toàn đối với sức khỏe toàn cầu” và những người dễ bị tổn thương nhất chính là nhóm có thu nhập thấp, người da màu và người già.
Nhóm tác giả kêu gọi cần có một khoản đầu tư khẩn cấp vào nghiên cứu và thích ứng để bảo vệ những nhóm người trên.
“Cần hành động nhanh chóng để giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo một tương lai phù hơn hơn cho tất cả mọi người”, nhóm tác giả nhấn mạnh.