Giới lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghệ cao, từ chip bán dẫn đến xe điện, làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa công suất dẫn đến làn sóng xuất khẩu giá rẻ.
Theo dữ liệu cho vay của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực sản xuất đã tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước khi các nhà đầu tư liên tục đổ xô vào lĩnh vực này.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng khác với những đợt đầu tư trước đó, làn sóng này đã gây ra lạm phát đối với ngành công nghiệp pin mặt trời của quốc gia tỷ dân, làm bùng nổ các cuộc chiến thương mại và khiến nhiều công ty phá sản.
Không những vậy, quy mô đầu tư lớn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với một số đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh, đặc biệt là châu Âu. EU đang tiến hành các cuộc điều tra trợ cấp đối với xe điện từ Trung Quốc.
Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Bắc Kinh, cho biết: “Tình trạng cung vượt cầu ở Trung Quốc đang đẩy hàng hóa tràn ngập sang các thị trường khác, bao gồm pin, năng lượng mặt trời và hóa chất”.
“Châu Âu và Trung Quốc giống như hai đoàn tàu sắp va vào nhau” – Ông Eskelund cho biết.
Dự kiến, chính sách công nghiệp của Trung Quốc sẽ là điểm chính trong chương trình nghị sự tại cuộc họp của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Những chính sách của ông Tập nhằm biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng đầu về sản xuất sản phẩm công nghệ cao, gồm xe điện, tua-bin gió, linh kiện hàng không vũ trụ và chất bán dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nỗ lực này có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu khi khiến Trung Quốc tiêu dùng ít hơn và xuất khẩu nhiều hơn – một yếu tố mà nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể là chìa khóa để duy trì mức tăng trưởng cao.
Trọng tâm hướng đến công nghệ cao
Trước đây, các nhà hoạch định chính sách luôn phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất. Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho biết chính sách kích thích của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã gây ra sự bùng nổ trong lĩnh vực thép, năng lượng mặt trời và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới vào thời điểm đó đã hoàn toàn hấp thụ những sản phẩm trên.
Theo ông Neumann, mặc dù trọng tâm của chính phủ chỉ dồn vào sản phẩm công nghệ cao - mục tiêu đặt ra vào năm 2021 - tuy nhiên mức độ hấp thụ của thị trường toàn cầu hiện tại khó có thể đáp ứng được lượng công suất dư thừa từ quốc gia tỷ dân.
Đầu tư vào sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc đang tỏ ra vượt trội so với các lĩnh vực khác. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư công nghệ cao đã tăng đến 11,3%, trong khi tổng đầu tư vào sản xuất chỉ tăng ở mức 6,3%.
Một đánh giá của Reuters cho thấy hàng chục chính quyền tỉnh và thành phố đang tăng tỷ lệ các khoản vay của chính phủ nhằm phát triển xanh, sản xuất công nghệ cao và các ngành công nghiệp trọng điểm.
Ví dụ, đến cuối tháng 9, Đông Quan, một thành phố sản xuất phía Nam với 7,5 triệu dân, có tổng dư nợ cho vay đối với các công ty công nghệ cao là 246 tỷ nhân dân tệ (33,7 tỷ USD), khoảng 1/5 nền kinh tế.
Rủi ro về tình trạng dư thừa
Duo Fu, phó chủ tịch của Rystad Energy, cho biết dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ sớm đáp ứng được tất cả nhu cầu về pin lithium-ion trên toàn cầu.
Tương tự, dữ liệu của Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho thấy các nhà sản xuất ô tô của nước này, bao gồm xe điện, đã đạt công suất sản xuất 43 triệu ô tô/năm khi các nhà máy chỉ hoạt động ở công suất 54,5%.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho biết tốc độ tăng tưởng kinh tế hiện tại và mức tiêu thụ chậm chạp sẽ cản trở việc Trung Quốc hấp thụ hoàn toàn lượng sản phẩm sản xuất ra.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, sau nhiều thập kỷ dồn trọng tâm vào nguồn cung, tiêu dùng hộ gia đình chỉ chiếm 38% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021, ngay cả trước đợt phong tỏa do Covid-19 – so với mức tăng 68% ở Mỹ và 55% mức trung bình của thế giới.