CPI tăng cao Trong 7 tháng, nhìn chung tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) đã cao lên qua các tháng (tháng 1 tăng 2,65%, tháng 2 tăng 2,9%; 3 tháng, 4 tháng tăng thấp hơn 2 tháng; 5 tháng tăng 3,01%, 6 tháng tăng 3,29%, 7 tháng tăng 3,45% - thấp hơn tốc độ tăng 3,91% tương ứng của cùng kỳ năm 2017).
Việc tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước của CPI trong 7 tháng đầu năm nay, cùng với tỷ lệ lạm phát cơ bản thấp (bình quân 7 tháng tăng 1,36%) dễ làm cho nhiều người chủ quan, thỏa mãn với khả năng cả năm tăng thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 4%).
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Trong những tháng còn lại của năm 2018, dự báo tốc độ CPI sẽ tăng cao lên căn cứ vào nhiều yếu tố. Về mặt hàng, giá thực phẩm – mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tăng lên. Những mặt hàng bình quân 7 tháng so với cùng kỳ năm trước đã tăng cao hơn tốc độ tăng chung và đã vượt qua mức 4% là lương thực (4,22%), nhà ở và vật liệu xây dựng (3,8%), thuốc và dịch vụ y tế (17,47%, trong đó dịch vụ y tế 22,89%), giao thông (6,41%), giáo dục (7,05%). Về thời tiết, diễn biến khá phức tạp và có thể phức tạp hơn nữa trên diện rộng. Giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, lại thêm tỷ giá VND/USD tăng,… sẽ làm cho giá trong nước tính bằng VND tăng kép, cộng hưởng với yếu tố tâm lý sẽ làm cho mặt bằng giá tăng cao.
Tăng trưởng chậm lạiTăng trưởng GDP quý I và 6 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước nhưng có xu hướng chậm lại trong các quý còn lại. Thể hiện ở tốc độ tăng GDP quý II so với cùng kỳ đã thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của quý I và quý IV.
Dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại khi gốc so sánh là các quý sau của năm 2017 (với sự gia tăng sản lượng thép của Tập đoàn Formosa và việc tập trung sản xuất ở các dòng điện thoại cao cấp của Công ty TNHH Samsung Electronics,… ) ở mức cao (tốc độ tăng sẽ thấp xuống). Từ đầu tháng 7 đã xuất hiện những yếu tố mới, trong đó nổi bật nhất là cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc cũng là 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ngày một lớn, mở rộng ra nhiều nước và có khả năng kéo dài; là cuộc chiến tranh tiền tệ với sự phá giá mạnh đồng NDT của Trung Quốc; thị trường chứng khoán sụt giảm (cả về điểm số, giá trị giao dịch, giá trị vốn hóa/GDP,…); và những cảnh báo về cuộc khủng hoảng kinh tế với chu kỳ 10 năm 1 lần (đã xảy ra với các năm có đuôi số 9 là 1979, 1989, 1999, 2009),…
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa ở một số ngành tăng chậm lại, thậm chí còn giảm (như cà phê, chè, hạt tiêu, dầu thô, cao su, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù,… rau quả, hạt điều, than đá, xăng dầu). Một số thị trường xuất khẩu tăng chậm lại và sẽ còn tiếp diễn do tác động của cuộc chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ.
Do tốc độ tăng của xuất khẩu chậm lại, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng sẽ kéo theo khả năng nhập siêu và thực tế là nhập siêu lúc tăng, lúc giảm trong 7 tháng qua. Ngoài ra, ảnh hưởng chiến tranh thương mại, nhập siêu với Trung Quốc sẽ tăng, còn xuất siêu sang Mỹ sẽ tăng thấp hơn. Theo đó cần tính đến khả năng sẽ chuyển từ xuất siêu trong những tháng đầu năm sang nhập siêu vào thời điểm cuối năm, dẫn đến cả năm có thể nhập siêu.