Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo tình trạng đầu cơ ngoại tệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh trong vòng 2 tuần trở lại đây. Mức giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại phổ biến kịch trần 21.036 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, USD cũng lên giá mạnh ở cả hai chiều mua và bán. Việc tỷ giá tăng lần này có nguyên nhân từ việc một số ngân hàng dư thanh khoản, không cho vay ra được tìm cách đầu tư trên thị trường ngoại tệ.

Tỷ giá vượt ngưỡng 21.000 đồng/USD

Ngày 18/6, tỷ giá USD tự do tại Hà Nội niêm yết ở mức 21.230 đồng/USD chiều mua vào và 21.260 đồng chiều bán ra - không đổi so với ngày hôm trước. Giá USD chiều bán ra của các ngân hàng đều ở mức kịch trần 21.036 đồng/USD, chiều mua vào các ngân hàng đều tăng sát, không chênh lệch nhiều so với chiều bán ra. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng 20.828 đồng/USD. Vietcombank niêm yết giá USD mua vào ở mức 21.035 đồng/USD và bán ra ở 21.036 đồng/USD. Eximbank 21.015 - 21.036 đồng/USD mua vào - bán ra.
 
 
Cảnh báo tình trạng đầu cơ ngoại tệ - Ảnh 1
 
Kiểm đếm ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Hà Nội.  Ảnh: Việt Linh

 Từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ giá liên tục đi lên, sát và vượt mốc 21.000 đồng/USD. Điều đáng nói, tỷ giá không chỉ tăng trên thị trường tự do và các ngân hàng mà phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 20.950 đồng/USD lên kịch trần 21.036 đồng/USD. Chênh lệch mua bán co lại còn rất hẹp, thậm chí có thời điểm giá mua vào - bán ra USD ngang bằng nhau.

Từ đầu năm đến nay, đây cũng là lần thứ 3 tỷ giá USD/VND tăng. Hai lần trước, sau Tết Nguyên đán và từ giữa tháng 4, giá USD tăng gây ra nhiều tranh luận, thậm chí vấn đề phá giá VND đã được đặt ra. Tuy nhiên, cơ quan điều hành đã nhiều lần khẳng định, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản vẫn ổn định, những biến động chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý.

Theo đại diện NHNN, từ năm 2011 đến nay, NHNN không điều chỉnh tỷ giá, thực tế, tỷ giá USD có lên xuống nhưng diễn biến trong biên độ cho phép của NHNN nên về cơ bản là ổn định. Tỷ giá công bố không thay đổi, tỷ giá trên thị trường có biến động trong biên độ 1% như quy định. Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc NHNN Việt Nam thừa nhận, gần hai tháng vừa qua, có áp lực gia tăng tỷ giá. Theo phân tích, có thể khẳng định nhu cầu thị trường có tăng nhưng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của các ngân hàng. Mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam bắt đầu có nhập siêu trong hai tháng qua, nhưng cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Về tổng thể cân đối ngoại tệ vẫn đảm bảo.

Cảnh báo các ngân hàng quá đà đầu tư ngoại tệ

Tuy nhiên, có một thực tế mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lên tiếng cảnh báo, đó là việc nhiều ngân hàng dư thanh khoản, chưa cho vay ra được nên một số tìm cách cải thiện trạng thái ngoại tệ của mình, mua vào dự phòng hoặc thông qua đây để kinh doanh. "Hiện tượng gia tăng tỷ giá thời gian vừa qua chủ yếu do chính các ngân hàng tạo ra mà không phải do thị trường. Cần phải bàn bạc, một khi NHNN đã định ra mức nào thì cần nghiêm túc tuân thủ. Hiện đang có mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý và nếu có điều kiện vẫn phải giảm xuống nữa. Nếu không cẩn thận, tình trạng đầu cơ trên thị trường ngoại tệ diễn biến phức tạp có thể dẫn tới việc phải tăng lãi suất để triệt tiêu việc đầu cơ này. Đừng vì lợi ích cục bộ mà phá vỡ lợi ích chung. Nếu ngân hàng nào còn tiếp tục đầu cơ, buộc NHNN hút tiền về, thông qua các kênh khác nhau. Dự trữ bắt buộc hiện nay thấp, thanh khoản dồi dào, ảnh hưởng tới tỷ giá thì không có lý gì không tăng dự trữ bắt buộc. Nếu làm như thế sẽ khó khăn cho đầu ra, đẩy lãi suất lên cao và lại gây khó khăn ngược lại. Khuôn khổ pháp lý không cấm, nhưng chúng ta cần có ứng xử chuyên nghiệp"- Thống đốc nhấn mạnh.

Người đứng đầu NHNN cũng cho hay, trần lãi suất VND 7,5% hiện nay có thể giữ ổn định cho tới cuối năm, nếu giảm sẽ không đáng kể. Ngoài ra, có thể sẽ giảm mạnh lãi suất huy động ngoại tệ nhưng thời điểm nào giảm sẽ được tính toán cụ thể.

Trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung cầu ngoại tệ, theo đó điều hành tỷ giá phù hợp. Đồng thời, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VND, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.