Năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn, đòi hỏi công nghiệp phải tăng cao hơn. Tuy nhiên, thực tế trong 2 tháng đầu năm, công nghiệp đã tăng chậm lại.
Nhiều ngành giảm sâu
Việc tăng chậm lại của sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm do nhiều yếu tố. Xét theo ngành, thì ngành có tỷ trọng lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tuy tăng khá, nhưng tốc độ đã thấp hơn của tháng 12/2015 (11,2%) và thấp hơn tốc độ tăng của cả năm 2015 (10,5%). Trong đó một số ngành, sản phẩm cụ thể thời gian trước tăng cao, nhưng nay tăng chậm hơn, thậm chí còn bị giảm. Ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, nếu năm 2015 tăng (7,1%), thì 2 tháng này giảm tương đối sâu. Hai ngành còn lại tăng cao, nhưng tỷ trọng trong toàn ngành nhỏ, nên tác động đến tốc độ tăng của toàn ngành không lớn.
Trước hết, xét các yếu tố ở đầu vào, vốn đầu tư từ ngân sách đạt kế hoạch thấp (10%) và chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, số DN toàn ngành công nghiệp tạm ngừng kinh doanh 819, tăng 35,8% (trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo 738 DN, tăng 64,4%); tạm ngừng hoạt động 1.106 DN, giảm 5% (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo 1.002 DN, tăng 14,9%). Số DN giải thể của ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm, nhưng của ngành chế biến, chế tạo lại tăng 41%. Trong 2 tháng đầu năm, tổng số DN giải thể là 2.195, tăng 6,8%; số DN tạm ngừng hoạt động là 16.471, tăng 17,3%.
Xét ở đầu ra, chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến, chế tạo tuy tăng khá so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn chỉ số tiêu thụ của cả năm 2015 (tăng 12,4%). Tốc độ tăng tiêu thụ chậm lại do cả 2 yếu tố. Tiêu thụ trong nước tiếp tục đạt mức khá (khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3%), nhưng đã chậm lại so với Tết trước. Biểu hiện rõ nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung 2 tháng tăng 0,42%, thấp nhất so với tốc độ tăng của 2 tháng cùng kỳ từ năm 2014 trở về trước. Mặc dù 2 tháng xuất siêu, nhưng chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu giảm nhiều hơn (giảm 6,6%). Nhập khẩu giảm có phần quan trọng do giá nhập khẩu tính bằng USD giảm (phế liệu sắt thép, xăng dầu, kim loại thường khác, xơ sợi dệt, sắt thép các loại, kim loại thường khác, bông các loại, chất dẻo, lúa mì, ngô, đậu tương, hạt điều, phân bón...). Nhập khẩu giảm còn do nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở trong nước chậm lại. Nhập khẩu giảm không chỉ đối với khu vực kinh tế trong nước (giảm 4,8%) mà đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn giảm nhiều hơn (giảm 7,7%).
Các giải pháp có thể lựa chọn
Việc tăng chậm lại trong 2 tháng khởi đầu - thời gian có nhu cầu tăng cao là cảnh báo đáng quan tâm đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn của cả năm. Do vậy, cần quyết liệt, khẩn trương tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng tăng chậm lại này. Có nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp chủ yếu.
Trước hết, cần khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, đăng ký thành lập DN, tập trung cho nhóm ngành kinh tế thực (nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng), ngăn chặn tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động đang diễn ra nhiều, tăng liên tục, trong thời gian dài như vừa qua. Tình trạng phá sản, dừng kinh doanh hoạt động do nợ xấu, việc tiếp cận vốn khó khăn, tỷ suất lợi nhuận trước thuế thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng, do thị trường bất động sản - nguyên nhân chủ yếu của nợ xấu vừa mới ấm lên đã lo sợ bong bóng và muốn thắt chặt tín dụng...
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng cũng cần tính đến là tăng tổng cầu, thực tế xét về quy mô tuyệt đối thì tổng cầu vẫn còn nhỏ hơn tổng cung. Trong các giải pháp tăng tổng cầu, thì hạ lãi suất cho vay là một trong các giải pháp được nhiều nước áp dụng. CPI tăng thấp đã bước sang năm thứ ba thì đây là một thời cơ. Tất nhiên, ngăn chặn sự phá sản, tạm dừng hoạt động của các DN như đã nêu ở trên cũng là giải pháp giữ và tăng thu nhập cho người lao động, tăng tổng cầu.
Ngoài ra, hỗ trợ xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, cơ cấu lại 2 khu vực kinh tế là khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI (khu vực chiếm trên dưới 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) cũng là những giải pháp cấp thiết hiện nay.
Sản xuất dây điện tại Công ty Cơ điện Trần Phú. Ảnh: Hữu Hiệp
|