Tình hình mất an ninh mạng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nguy cơ an ninh mạng và bảo mật an toàn thông tin (ATTT) tại các DN trên thị trường đang ở mức báo động khi tình trạng bị hacker, virus, malware tấn công khiến dữ liệu bị xóa, thông tin bị đánh cắp, bị theo dõi, mất quyền bảo hành, lây truyền virus sang máy tính khác,… liên tục gia tăng không ngừng, gây ra hậu quả và thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, uy tín cho DN về lâu dài.
Theo thống kê của SecurityDaily từ các diễn đàn an ninh mạng, diễn đàn hacker… trong nửa đầu tháng 9/2014, đã có tổng cộng 1.039 website của Việt Nam bị tấn công, đây là con số cao nhất trong năm 2014. Còn trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 4.767 websites của Việt Nam bị tấn công, tăng gấp đôi so với các năm từ 2011-2013. Trung bình mỗi ngày có hơn 18 website của Việt Nam bị chiếm quyền điều khiển. Năm 2014 thực sự là một năm rất nóng về tình hình tấn công ứng dụng web tại Việt Nam.
Tại Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2014 tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định: Công tác đảm bảo ATTT tại các cơ quan, tổ chức, DN của Việt Nam vẫn còn ở thế bị động, thậm chí nhiều cơ quan, tổ chức đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm ATTT và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi có sự cố xảy ra. Và theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc hại ở mức cao. Vấn đề này đã gây ra những thiệt hại lớn, ảnh hưởng tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam trong thế giới số...
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014, cuối tháng 10/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin rằng, nếu như những nỗ lực đẩy mạnh CNTT không gắn liền với việc ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường IDC kết hợp với Đại học Quốc gia Singapore công bố ngày 30/5/2014 tại Hà Nội, khối DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính thiệt hại gần 230 tỉ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014 do không sử dụng phần mềm bản quyền. Trong đó, hơn 59 tỉ USD dùng để xử lý các vấn đề an ninh mạng và 170 tỉ USD dùng để khắc phục tình trạng ăn cắp dữ liệu do mã độc gây ra. Cũng theo báo cáo, khối chính phủ tại khu vực ước tính mất khoảng 50 tỉ USD để xử lý các vấn đề mã độc nằm trong các phần mềm lậu. Ngoài ra, phân tích 203 máy tính được mua mới có cài sẵn phần mềm không bản quyền, phát hiện 61% máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại, bao gồm các mã độc trojan, sâu máy tính, virus…
Thêm vào đó, 90% phần mềm không bản quyền chứa sẵn virus và mã độc (malware), một môi trường lý tưởng cho tin tặc xâm nhập vào hệ thống thông tin. Các DN sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ có nguy cơ mất 73% dữ liệu quan trọng, 55% sẽ không thể hồi phục được tất cả dữ liệu khi hệ thống chủ bị hỏng cũng như khả năng lây nhiễm virus cho đối tác, khách hàng vô cùng cao không những gây hại cho bảo mật, an ninh thông tin cho bản thân DN mà còn có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Do đó, có thể nói, phần mềm không bản quyền được xác định là một nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến tình trạng tấn công an ninh mạng, làm sai lệch dữ liệu và thất thoát những thông tin quan trọng của các DN.
Nhằm củng cố công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn và bảo mật thông tin, cùng với đó là tăng cường việc thực thi Luật Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT), văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành triển khai chiến dịch tuyên truyền và cảnh báo đối với một số DN như: Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang (38 Mê Linh Phường 19, quận Bình Thạnh), Công ty CP Hàng không Vietjet (tầng 8, CT Plaza, 60A Trường Sơn, quận Tân Bình), Công ty TNHH Intertek Việt Nam (Lầu 1-2, Tòa nhà E-Town EW, 364 Cộng Hòa, Phường 13, quận Tân Bình) vào ngày 23/12/2014.
Có thể nói, công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Luật SHTT, an ninh mạng, ATTT của Cục Bản quyền Tác giả là việc làm cấp thiết trong tình hình CNTT phức tạp hiện nay, đồng thời thể hiện động thái tích cực góp phần xây dựng ngành CNTT Việt Nam lành mạnh theo đúng chủ trương, tầm nhìn của Chính phủ hướng đến một nước mạnh về CNTT vào năm 2020.
Trưởng VPĐD Cục Bản quyền tác giả TP.HCM làm việc với đại diện CTCP Hàng không VietJet. |