Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo xếp hạng tín nhiệm Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông cáo đăng tải trên website Moody's trưa 20/4 nêu rõ, hãng đánh giá tiêu cực về triển vọng Việt Nam do lo ngại khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu của quốc gia,

KTĐT - Thông cáo đăng tải trên website Moody's trưa 20/4 nêu rõ, hãng đánh giá tiêu cực về triển vọng Việt Nam do lo ngại khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu của quốc gia, cho dù gần đây Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong báo cáo thường niên công bố hôm nay, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's đặt xếp hạng B1 của Việt Nam dưới triển vọng tiêu cực, cho dù ghi nhận nỗ lực của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô.

Thông cáo đăng tải trên website Moody's trưa 20/4 nêu rõ, hãng đánh giá tiêu cực về triển vọng Việt Nam do lo ngại khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu của quốc gia, cho dù gần đây Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo thường niên của Moody's cập nhật những đánh giá mới nhất về xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam. Tuy chưa đưa ra quyết định nào liên quan tới điều chỉnh xếp hạng, song nó gợi mở về khả năng điều chỉnh sắp tới.

Báo cáo này lưu ý xếp hạng B1 dành cho Việt Nam được đưa ra sau những đánh giá về tính kém bền vững của nền kinh tế cũng như năng lực tài chính quốc gia. Moody's cho rằng tình hình tài chính cũng như nợ của Việt Nam vẫn tốt so với những nước có cùng xếp hạng tín nhiệm, nhưng rủi ro đang gia tăng do nhiễu tín hiệu từ chính sách kinh tế vĩ mô cũng như khả năng thanh toán quốc tế.

Moody's cho biết có thể cân nhắc chuyển đánh giá tiêu cực hiện nay sang triển vọng ổn định nếu những biện pháp kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái của Chính phủ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu dự trữ ngoại hối quốc gia, vốn đang ở mức thấp, tiếp tục suy giảm, sẽ tạo sức ép khiến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bị đánh tụt.

Tháng 12 năm ngoái, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu Việt Nam, từ Ba3 xuống B1, đồng thời hạ định mức tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ từ mức B1 xuống B2 đối với 6 ngân hàng của Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về thị trường trái phiếu cho rằng đánh giá của Moody's không quá bất ngờ, bởi trong bối cảnh thế giới hiện nay đất nước nào cũng đối mặt với khó khăn. Hàng loạt nước lớn, trong đó có cả Mỹ và một số nền kinh tế châu Âu cũng đã bị các tổ chức xếp hạng hạ bậc tín nhiệm hoặc đưa vào triển vọng tiêu cực do bất ổn tài chính và nợ công.

"4 lý do Moody's đưa ra để bi quan về triển vọng của Việt Nam cũng đang là mối quan tâm lớn nhất của Việt Nam hiện nay", vị chuyên gia này nói.

Moody's cảnh báo nguy cơ bất ổn với cán cân thanh toán của Việt Nam, khi thâm hụt thương mại ngày một lớn, làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (capital flight) gia tăng, mà hệ quả trực tiếp là sụt giảm dự trữ ngoại hối quốc gia và tạo sức ép hơn nữa tới giá trị đồng nội tệ. Lạm phát ở mức hai con số cũng là vấn đề Moody's quan ngại và cho rằng nó sẽ tạo sức ép hơn nữa tới tỷ giá cũng như dòng vốn đầu tư. Hơn nữa, việc thực hiện các chính sách thắt chặt để ổn định vĩ mô có thể dẫn tới hệ quả không mong muốn là gia tăng nghĩa vụ nợ của Chính phủ, ngân hàng cũng như doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khoản nợ có vấn đề tại một số tập đoàn quốc doanh gây bi quan về khả năng hỗ trợ tài chính của Chính phủ với doanh nghiệp.

Đánh giá của các cơ quan đối với tín nhiệm của một số nước trong khu vực. Nguồn: Giáo sư Henry Bouchet
Đánh giá của các cơ quan đối với tín nhiệm của một số nước trong khu vực. Nguồn: Giáo sư Henry Bouchet

Trước Moody's, một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác cũng bày tỏ quan điểm thận trọng với Việt Nam. Tháng 9/2010, Fitch hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ và hạ bậc tín dụng của một số ngân hàng hàng đầu. Standard & Poor's mới đây cũng đưa xếp hạng BB- của Việt Nam vào triển vọng tiêu cực. Trong khi hãng bảo hiểm tín dụng hàng đầu của Pháp Coface hạ xếp hạng của Việt Nam từ B xuống C.

"Về mặt logic, đánh giá của các tổ chức như Moody's có thể ảnh hưởng tới khả năng vay nợ của Việt Nam trên thị trường quốc tế, nó có thể khiến các nhà đầu tư hoặc chủ nợ quyết định cho vay hoặc không cho vay, nếu cho vay sẽ ở chi phí nào và điều kiện ra sao. Tuy nhiên, những đánh giá thế này cũng chỉ là một tiêu chí, các nhà đầu tư còn có nhiều nguồn đánh giá khác nhau và quan điểm của riêng mình khi định rót vốn vào một thị trường nào đó", vị chuyên gia về thị trường trái phiếu phân tích.

Tại hội thảo về Quản lý Ngoại hối do Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) tổ chức Hà Nội hôm 18/4, giáo sư Michel Henry Bouchet cũng cho rằng mặc dù các tổ chức đánh giá tín nhiệm có cái nhìn thận trọng, song với các nhà đầu tư Việt Nam lại là thị trường hấp dẫn. Ông dẫn ra số liệu của Hãng tư vấn A.T. Kearney của Mỹ mới đây cho thấy, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng chỉ số tín nhiệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cao hơn Pháp (vị trí 13), Hong Kong (14) và cả Nga (18).

Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm nay lên thứ hạng 59, thay vì mức 75 của năm 2009.

Tuy nhiên, giáo sư Bouchet cũng cảnh báoViệt Nam cần giải quyết đồng bộ các khó khăn như thâm hụt thương mại và thâm hụt tài hoản vãng lai, lạm phát cũng như yếu kém của hệ thống ngân hàng.

"Những thách thức này cần được giải quyết đồng thời để củng cố niềm tin trong nước và nước ngoài vào triển vọng phát triển của Việt Nam. Nguy cơ lạm phát hai chữ số sẽ làm lung lay lòng tin của cơ quan kinh tế trong nước và nước ngoài, dẫn đến vòng xoáy việc hạ điểm đánh giá, thắt chặt điều kiện cho vay, suy đoán tiền đồng tiếp tục mất giá, vốn chạy ra nước ngoài và nhập khẩu lạm phát", ông nói thêm. Giáo sư Bouchet là người đứng đầu Trung tâm Tài chính Toàn cầu của trường SKEMA (Pháp), có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng quốc tế, đặc biệt là đánh giá rủi ro về tài chính các nước.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối tháng 3 ở mức 12,4 tỷ USD, theo công bố của Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), giảm mạnh so với đỉnh cao 25,8 tỷ USD hồi tháng 2/2008 và 20,7 tỷ USD hồi tháng 6/2008.

Chính phủ Việt Nam gần đây đã khẳng định quyết tâm kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, khi kinh tế vĩ mô có chiều hướng khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến cuối tháng 3 tăng 13,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Hôm 11/2, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ thêm 9,3% và thu hẹp biên độ giao dịch từ 3% xuống 1%.