Tuy nhiên, nhìn vào những con số, những đổi thay ở lễ trao giải năm nay, người ta càng phân vân: Giải thưởng lớn của Hội Điện ảnh Việt Nam này xem ra càng ngày càng kém danh giá…
Chất lượng vừa phải
13 phim truyện nhựa tham gia tranh "Cánh diều Vàng" năm nay là: "Cô dâu đại chiến 2", "Quả tim máu" (đạo diễn Victor Vũ), "Tèo em" (Charlie Nguyễn), "Hiệp sĩ guốc vông" (Chánh Tín), "Âm mưu giày gót nhọn" (Hàm Trần), "Gác kiếm" (Tạ Huy Cường), "Thần tượng" (Quang Huy), "Đường đua" (Nguyễn Khắc Huy), "Săn đàn ông" (Võ Quốc Thành - Khánh Ly), "Những người viết huyền thoại" (Bùi Tuấn Dũng), "Và anh sẽ trở lại" (Đinh Tuấn Vũ), "Sau ánh hào quang" (Lê Hữu Lương). Đáng ghi nhận là không có phim nào bị xếp vào hàng "thảm họa", nhưng đa số đều "vừa phải" về chất lượng. Trong số ấy, "Tèo em" từng lập kỷ lục ngoài phòng vé, song lại nhận được không ít phàn nàn về độ "hài nhảm" có mặt trong phim. "Cô dâu đại chiến 2" cũng có doanh thu "khủng" nhưng cũng đồng thời bị giới chuyên môn và công chúng đánh giá "khủng" về độ "nhảm". "Thần tượng" có những khung hình đẹp, lãng mạn, song lại thiếu chất điện ảnh… Thế nên rất nhiều người đoán định rằng, 2 bộ phim "Quả tim máu" và "Những người viết huyền thoại" - một vừa lập kỷ lục bất ngờ về doanh thu và một từng đoạt "Bông sen Vàng" ở LHP Việt Nam 2013 - là hai ứng cử viên nặng ký của Cánh diều Vàng 2014. "Quả tim máu" thuộc "trường phái" phim giải trí, song qua thời gian "thử lửa" ngoài rạp chiếu không bị "ném đá" về mặt chuyên môn, về kiểu hài "nhảm" thường thấy. "Những người viết huyền thoại" thuộc dòng phim chính luận nghệ thuật, từng được cho là làm thay đổi định kiến của mọi người về phim chiến tranh và chạm tới được cảm xúc của người xem.
Nhìn vào danh sách phim dự giải mùa này, còn dễ dàng nhận ra cuộc chạy đua phim hài trên thị trường phim Việt. Bởi trong số 13 phim đăng ký tham gia, có tới 10 phim thuộc thể loại hài. Nghĩa là các nhà làm phim đang mê mải chạy theo thị trường giải trí, mê mải trong cuộc đua giành rạp chiếu mà bỏ quên mảnh đất phim chính luận nghệ thuật - gian nan song thể hiện được nhiều "chất" của con người và văn hóa Việt.
Những dấu hỏi…
Chờ đợi mãi, cho đến gần "hạn chót" nhận phim đăng ký dự giải, danh sách cho hạng mục phim truyện nhựa mới… chẵn chục và cuối cùng "nhích" được đến con số 13. Con số ấy "hụt" đi nhiều so với những mùa giải trước - kể cả những mùa giải không được đánh giá là rôm rả và có sức hấp dẫn giới làm phim. Thêm lần này nữa, người quan tâm đến điện ảnh Việt lại càng băn khoăn: Phải chăng giải thưởng được ví như Oscar của Việt Nam này ngày càng kém danh giá?
Thêm vào đó, Hội Điện ảnh Việt Nam còn cho biết lễ trao giải "Cánh Diều Vàng" đêm 15/3 tới sẽ không được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV như thông lệ. Lý do mà phía nhà tổ chức đưa ra là muốn có thêm thời gian dành cho các nghệ sĩ khi lên nhận giải và tránh những lộn xộn có thể xuất hiện trên sóng khi khán giả theo dõi trực tiếp qua màn ảnh nhỏ. Song liệu đây có phải là lý do chính, bởi đã bao mùa giải, "Cánh diều Vàng" vẫn bay lên trong một khung cảnh và kịch bản lễ trao giải quen thuộc. Ấy là sự lặp đi lặp lại của việc nghệ sĩ lần lượt xếp hàng lên nhận giải, nói vài câu rồi đi xuống… "Nhà đài" không mặn mà với buổi lễ trao giải này là điều quá dễ hiểu vì biết chắc người xem sẽ lại ngồi trước màn hình mà thở dài bởi sự… biết trước. Cái sự thiếu mặn mà này đã từng diễn ra ở những mùa giải trước, khi mà đến sát ngày trao giải, người ta vẫn chưa biết Cánh diều Vàng sẽ "bay" trên kênh nào, khi mà Ban tổ chức phải lùi thời gian tổ chức để chờ… sóng truyền hình trực tiếp… Và năm nay, dù có vớt vát bằng việc ghi hình và phát sóng lại vào hôm sau (16/3), thì ở thời điểm này cũng chưa ai biết chắc chương trình sẽ được phát trên kênh nào của VTV. Đây cũng là một dấu hỏi lớn về sức hấp dẫn cũng như khâu tổ chức của lễ trao giải Cánh diều Vàng.
Có vẻ như một mùa giải buồn lại đang ở phía trước với số lượng phim nhựa giảm đi, khâu tổ chức không có gì đổi mới...
Cảnh trong phim "Cô dâu đại chiến 2"
|