Trước đó, ngày 9/4, khi con trai 4 tuổi của chị Nguyễn Thanh Th. (trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cầm túi xách đựng tài sản lớn đứng bên đường chờ mẹ đỗ xe rồi cùng vào nhà, thì bất ngờ bị một đối tượng lao xe máy tới cướp. Qua vụ việc trên, cho thấy, tình hình an ninh trật tự mặc dù đã được lực lượng chức năng kiểm soát nhưng các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh và có nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người dân. Các đối tượng cướp giật trước khi tiến hành chiếm đoạt tài sản đã theo dõi quy luật, thói quen đi, về của những bị hại để dễ bề hoạt động. Tuy nhiên, ở vụ việc nói trên, dư luận vừa phẫn nộ với đối tượng cướp giật, song cũng "giận" chị Th. đã bất cẩn, chủ quan khi mang theo tài sản trị giá lớn, lại không có người đi cùng bảo vệ, thậm chí còn đưa cho con trai 4 tuổi cầm. Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, với tuổi lên 4, trẻ em hoàn toàn chưa có khả năng bảo vệ khối tài sản lớn như vậy. Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, hạn chế tới mức thấp nhất việc đưa tài sản, đeo trang sức có giá trị cho trẻ. Theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, tội phạm cướp giật thường "tăm tia" chị em phụ nữ, đặc biệt những người đeo đồ trang sức quý. Khi phát hiện mục tiêu, ngay cả khi bị hại đi 2 người, đối tượng vẫn sẵn sàng gây án. Lực lượng công an các cấp đã triển khai các tổ tuần tra, cả công khai lẫn bí mật, để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm cướp giật. Song song với biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an, hơn ai hết, mỗi người dân phải chủ động bảo vệ an toàn bản thân và tài sản của mình. Trong trường hợp rơi vào tình huống bị cướp giật, người bị hại cần đến cơ quan công an trình báo. Đây là cơ sở để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng cướp giật sau này và cũng là thông tin để lực lượng chức năng khoanh vùng, triển khai phương án phục kích, vây bắt tội phạm cướp giật.