Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cạnh tranh yếu vì công nghệ lạc hậu

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) công bố Báo cáo Công nghiệp 2016 (IDR 2016) “Vai trò của công nghệ và đổi mới trong phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện”.

Phát triển thông qua công nghệ chưa phổ biến

Không phải ngẫu nhiên IDR 2016 đánh giá cao vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2015, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm 2014, trong đó ngành công nghiệp tăng 9,39%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Chính sách và Thống kê của UNIDO Luduvico Alcorta cho rằng, công nghiệp hóa bền vững và toàn diện có thể nhanh chóng đạt được khi các nhà hoạch định chính sách tạo ra điều kiện và đưa ra những chính sách hợp lý cho quá trình này, tránh những sai lầm các nước khác đã vấp phải trước đó.
Sản xuất phụ tùng tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất phụ tùng tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Mặc dù đổi mới công nghệ được coi là động lực của tăng trưởng, nhưng phát triển nhanh thông qua công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến. Đối với nhiều DN, việc ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế, công nghiệp, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Phát hiện chính của IDR 2016 chỉ ra, công nghệ có thể thúc đẩy cả 3 khía cạnh của phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Khía cạnh thứ nhất đề cập đến khả năng thay đổi cấu trúc để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài nhằm bắt kịp với những nước phát triển ở trình độ cao hơn. Khía cạnh thứ hai liên quan đến mặt giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm và phân bổ thu nhập, tài sản và phúc lợi xã hội công bằng hơn. Khía cạnh thứ ba là tính bền vững về mặt môi trường, bao gồm việc sử dụng tài nguyên và các hoạt động môi trường không làm tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai. “Bởi vậy, để có thể hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lên quy mô công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn” - Báo cáo nhấn mạnh.

Giật mình với những con số

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê có nhan đề “Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2011 - 2015” chỉ ra, năng lực và kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của DN nội 5 năm gần đây có xu hướng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Một điểm đáng lưu ý là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của DN Việt Nam còn thấp hơn của Campuchia đến... 52 bậc. Cụ thể, phần lớn các DN Việt Nam, đặc biệt là DN dân doanh, đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang…

Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc cạnh tranh về năng lực trong hội nhập kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp càng trở nên khó khăn và đáng lo ngại với DN trong nước. Thực tế, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách đầu tư, tài chính, chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ như hình thành các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và chính sách ưu đãi về thuế cho DN để nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Tuy nhiên, việc tiếp cận và triển khai các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ trong thực tế vẫn là cả một chặng đường dài. Hầu hết các DN gặp khó khăn về tài chính phải vay vốn với lãi suất cao nên khó có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện nghiên cứu phát triển hoặc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế nhận định, nếu chúng ta không vạch ra chiến lược bài bản với những bước đi thích hợp thì cuộc cạnh tranh sắp tới dự báo sẽ rất khốc liệt đối với Việt Nam. Nếu chỉ loanh quanh điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN thì không thể giúp họ trưởng thành để vươn ra thị trường nước ngoài.