Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao Dương về đích sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ chủ động, bám sát thực hiện các nội dung của Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Cao Dương, huyện Thanh Oai đã chính thức "về đích" xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn nơi đây tươi mới, khang trang, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt.

Vùng quê đổi mới

Điều dễ nhận thấy khi đến Cao Dương là hệ thống đường giao thông nông thôn khang trang, sạch sẽ. Toàn bộ các trục đường xã, liên xã được nhựa hóa, với mặt đường rộng trung bình 6 – 10m. Các trục đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa và trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn vào ban đêm của người dân. Tính đến thời điểm này, xã còn 2,34km đường chưa được bê tông hóa nhưng vẫn đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Bên cạnh đó, xã cũng đầu tư mở rộng 41/50 góc cua và điểm tránh giao thông; hoàn thiện 4km hệ thống rãnh thoát nước tại các trục chính của các thôn.

Điểm nổi bật nhất của Cao Dương là một trong những xã đi đầu huyện Thanh Oai về đạt tiêu chí Hình thức sản xuất. HTX Nông nghiệp Cao Dương thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư 2 máy gặt, 2 máy làm đất, một máy cấy để kịp thời phục vụ nông dân. Cùng với đó, HTX đứng ra đảm nhiệm triển khai nhiều mô hình sản xuất cho chất lượng và năng suất cao như: Mô hình 10ha giống lúa TH3 – 5 cho hiệu quả cao hơn 20% so với giống lúa Khang Dân; mô hình nuôi ghép cá chép và rô phi với diện tích 5,5ha cho năng suất 5 tấn/ha; mô hình trồng hoa ly vụ đông 2014 với diện tích 1.000m2 cho thu nhập cao gấp 2,5 lần so với cấy lúa.

Cao Dương có 298,15ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất vùng trũng nên có lợi thế phát triển các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi và trồng rau an toàn. Nhờ nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường, những năm gần đây, xã đã tập trung đào tạo nghề lao động nông thôn. Hiện nay, hàng ngàn lao động tại địa phương đã có thu nhập ổn định từ 2,5 – 4 triệu đồng/tháng nhờ làm nghề như sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc làm nhà, điêu khắc tạc tượng, nghề may công nghiệp, hàn sắt, làm nón lá. Toàn xã có 5.094 người trong độ tuổi lao động thì có tới hơn 3.000 lao động trong các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 27,5 triệu đồng.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân góp tiền và ngày công chung tay xây dựng NTM", trong 4 năm triển khai, Nhân dân đã hiến 595m2 đất ở, 45.000m2 đất quỹ I, và trên 1,4 tỷ đồng tiền mặt. Đặc biệt, cán bộ và Nhân dân địa phương còn chung tay góp sức, góp tiền của xây dựng khu sinh thái vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Để có được thành quả đó là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là hoạt động của các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Người cao tuổi tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Chẳng hạn như vận động hội viên tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển mô hình chăn nuôi, làm vườn để tăng thu nhập; xây dựng các tuyến đường tự quản đảm bảo VSMT xanh, sạch, đẹp...

Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương Nguyễn Chí Thanh cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy dân chủ trong tất cả các khâu để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Để giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động song song với xây dựng các mô hình trang trại theo hướng bền vững nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.