Theo Ban quản lý Dự án cầu Bạch Đằng, việc thu phí dự kiến được áp dụng từ 0h ngày 1/10/2018. Mức phí được thực hiện theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT.
Đối với loại phương tiện dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng được áp dụng mức phí là 35.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 70.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 87.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chờ hàng bằng container 20 feet là 140.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng containet 40 feet là 200.000 đồng/lượt.
Được biết, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6km, bề rộng nền đường 25,5m, có điểm đầu tại quốc lộ 18, thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long, điểm cuối giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng. Dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng do Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư trên 6.400 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác). Tổng chiều dài tuyến này là 19,8km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 7.277 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu dự án tại lý trình Km19+800.00 và điểm cuối tại lý trình Km25+211.00 giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Sau khi cao tốc đi vào hoạt động ngày 1/9 vừa qua thì quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội được rút xuống từ 180km còn 130km; từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75km chỉ còn 25km.
Ông Đặng Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh cho biết, theo thống kê sơ bộ, lưu lương phương tiện các loại chạy trên cao tốc mỗi ngày lên tới 11.000 lượt. Do một số hạng mục chưa hoàn thiện nên chưa thể tiến hành thu phí cầu Bạch Đằng ngay khi thông tuyến.