70 năm giải phóng Thủ đô

Cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 đang vô cùng khẩn trương hơn bao giờ hết. Bộ Y tế đề nghị các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch và coi như đang có dịch. Đối với các tỉnh có nguy cơ cao phải thiết lập ngay bệnh viện (BV) dã chiến, sẵn sàng đối phó với các tình huống dịch.

Khẩn trương xét nghiệm tìm virus biến thể
Một nhân viên Khách sạn Như Nguyệt 2, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ đoàn chuyên gia Ấn Độ đến cách ly tại đây. Đây là tình huống báo động đỏ về sự lây nhiễm ở các khu cách ly nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch.

Theo Bộ Y tế, gần đây, Việt Nam đã ghi nhận một số ca bệnh Covid-19 là chuyên gia nhập cảnh từ Ấn Độ. Các trường hợp này đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị kịp thời. Nhân viên Khách sạn Như Nguyệt 2 là trường hợp đầu tiên bị lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ.
 Nhân viên y tế đo thân nhiệt một tài xế nhập cảnh qua cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Phạm Ngôn
Đề cập đến mối lo virus biến thể SARS-CoV-2 từ Ấn Độ (chủng B.1617 đột biến kép gây bùng phát dịch), PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Để biết được các ca bệnh Covid-19 nhập cảnh có nhiễm biến thể đột biến kép từ Ấn Độ hay không, cần phải giải trình tự gene để xác định. Việc tiến hành giải trình tự gen của những người nhập cảnh vào Việt Nam giúp có cơ sở đánh giá để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Theo một lãnh đạo Bộ Y tế, hiện Bộ Y tế đang tiến hành giải trình tự gene một số ca bệnh Covid-19 nhập cảnh về từ Ấn Độ. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có kết quả.

Được biết, biến thể kép được Ấn Độ được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 24/3, tìm thấy trong hơn 200 mẫu xét nghiệm ở bang miền Tây Maharashtra - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch - chiếm tỷ lệ 20% tổng số mẫu xét nghiệm. Gần đây, tỉ lệ này đã tăng lên 60%. Các nhà dịch tễ học cho biết, thuật ngữ "đột biến kép" dùng để chỉ một biến thể hoàn toàn mới, cùng lúc mang đặc điểm của hai loại đột biến đã được xác định là E484Q và L452R.

Tính đến tháng 4, biến thể này đã được phát hiện ở 18 quốc gia thuộc nhiều châu lục như châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Tại Đông Nam Á, Indonsia xác nhận đã phát hiện 10 người nhiễm biến thể mới từ Ấn Độ. 6 trong số 10 người nhiễm biến thể virus trên là các ca "nhập khẩu", 4 ca còn lại là các ca lây nhiễm cộng đồng.

Trước đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc Covid-19. Kết quả giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam mắc Covid-19 cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).

Gấp rút thiết lập bệnh viện dã chiến

Để ứng phó với tình huống dịch bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nam Bộ, việc triển khai BV dã chiến là vô cùng cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Tại buổi làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Cần Thơ ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương nhanh chóng hoàn thành BV dã chiến tuyến T.Ư tại Cần Thơ.
BV dã chiến cấp khu vực của Cần Thơ sẽ cùng với BV dã chiến tại khu vực Hà Tiên là đầu mối giúp Bộ Y tế chỉ đạo hoạt động khám chữa bệnh bệnh nhân Covid-19 trong khu vực. Nhiệm vụ số 1 của BV dã chiến vùng là thiết lập khoa cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), cũng như các kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm và phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Ngoài Cần Thơ, hiện tỉnh Kiên Giang cũng đang khẩn trương xây dựng BV dã chiến tại TP Hà Tiên. Trong giai đoạn đầu, khu vực này có thể thu dung được khoảng 300 bệnh nhân mắc Covid-19. Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, hiện có trên 103.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia. Riêng tại 3 tỉnh giáp biên giới với Kiên Giang gồm tỉnh Kampot, Kép và Preah Sihanouk có trên 700 hộ gia đình, với trên 1.700 nhân khẩu là người gốc Việt đang cư trú. TP Hà Tiên có 5 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận 720 người. Hiện, Trung tâm Y tế Hà Tiên chỉ có khả năng điều trị tối đa cùng lúc 50 bệnh nhân Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp từ các nước bạn, khu vực biên giới Tây Nam có lượng người nhập cảnh có phép lẫn trái phép khá đông. Việc thành lập các BV dã chiến khu vực và BV dã chiến của từng địa phương các tỉnh giáp ranh là vô cùng cấp thiết trong thời điểm hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản phòng, chống dịch, cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Bên cạnh đó, sẵn sàng kịch bản về cơ sở cách ly, đồng thời coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra.
Nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam Bộ rất lớn, đặc biệt dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5, nếu người dân đổ về các điểm du lịch, tụ tập đông người mà không thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch thì nguy cơ dịch xảy ra là rất hiện hữu. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ biện pháp 5K: Khẩu trang – khử khuẩn – không tụ tập – khoảng cách – khai báo y tế.