Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp đổi phù hiệu cho xe hoạt động kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ: Gỡ rào cản, tạo minh bạch

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc cấp đổi phù hiệu cho xe hoạt động kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi được thực hiện theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là điều kiện để cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động vận tải chưa đi vào khuôn phép trong những năm trước đồng thời cũng là điều kiện để các DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này bình đẳng, công bằng hơn.

 Ảnh minh họa
Theo Nghị định 10/2020, từ ngày 1/7, tất cả xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ sử dụng phù hiệu hoạt động đã hết hiệu lực, phải làm thủ tục để được cấp phù hiệu mới. Từ 2/7, các xe không có phù hiệu mới sẽ được kiểm tra, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trên cả nước, số lượng xe cấp mới phù hiệu cho loại xe kinh doanh này chưa đạt kết quả khả quan. Chỉ riêng với Hà Nội, theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, đến nay mới có khoảng 10.000 trên tổng số 40.000 xe chở khách dưới 9 chỗ trên địa bàn TP (bao gồm các loại xe limousine, xe taxi, xe taxi công nghệ) hoàn thành cấp đổi phù hiệu mới theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, còn tới khoảng 30.000 xe cần sớm thực hiện cấp đổi phù hiệu mới.
Nguyên do khiến việc cấp mới phù hiệu còn thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài. Ai cũng biết, lĩnh vực vận tải đã chịu ảnh hưởng rất nặng khi dịch bệnh ập đến. Trong hai năm qua, việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại... đã khiến nhiều DN, chủ phương tiện kinh doanh vận tải gặp khó khăn. Thậm chí, do dịch bệnh kéo dài nên nhiều phương tiện đang phải tạm dừng hoạt động và việc có tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải hay không thì chờ đáp án cho đến khi nào dịch Covid-19 được kiểm soát. Đó là một trong những khó khăn từ khách quan đến với cơ quan quản lý.

Thực tế, Nghị định 10/2020, quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô ban hành được coi là bước nhảy vọt về chính sách đối với lĩnh vực này. Bởi những quy định mới tại nghị định không chỉ mở rộng đường cho DN vận tải mà còn vận dụng triệt để công nghệ, bảo đảm an ninh trật tự, ATGT và cả công tác xử lý vi phạm. Ví như vấn đề bấy lâu khiến cơ quan chức năng "đau đầu" là xử lý xe kinh doanh vận tải "trá hình" thông qua hình thức chạy xe Limousine (hoạt động như xe tuyến cố định) hay những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ..., nay đã được giải quyết. Hoặc tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 10/2020 cũng quy định rõ: Đơn vị kinh doanh có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được cấp phù hiệu, biển hiệu cho ô tô phù hợp với loại hình kinh doanh đã được cấp phép và bảo đảm nguyên tắc tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải. Quy định này sẽ không xảy ra trường hợp tại một thời điểm một ô tô kinh doanh vận tải có nhiều phù hiệu hoặc biển hiệu. DN theo những quy định này tự xác định và phân định rõ hoạt động để lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với các điều kiện kinh doanh của nghị định.

Mặc dù trong quá trình triển khai một số quy định có gặp khó khăn khách quan bởi dịch Covid-19 nhưng đã và đang được cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi hết mức. Một vài thông tin "có vấn đề" liên quan đến thủ tục, phí cấp lại phù hiệu xe trong thời gian gần đây, ngay lập tức được Sở GTVT Hà Nội cũng như địa phương khác lên tiếng, khẳng định thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Bởi Nghị định 10/2020 được ban hành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải.