Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp thiết nắn dòng FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung ngày càng leo thang. Đỉnh điểm, Mỹ tuyên bố áp thuế 10% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Giới kinh tế nhận định sẽ có một dòng dịch chuyển vốn và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ.

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản), Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Thắng
Mũi tên 2 đích
Theo một báo cáo của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTD), khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Đông Nam Á đã tăng nay còn tăng mạnh hơn.

Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến 20/7/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là 20,22 tỷ USD, bằng 88,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 10,55 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Dù là quốc gia có nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn của các NĐT Trung Quốc phân bố nhỏ lẻ, với 1,78 tỷ USD, trải đều ra hơn 364 dự án, mỗi dự án trung bình dưới 5 triệu USD (hơn 112 tỷ đồng). FDI của Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện hiện có, vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất thông thường.

Tuy nhiên trong danh sách các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam không phải là Mỹ, châu Âu hay các công ty đa quốc gia mà là các DN Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc). Từ cuối năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký từ Hongkong và Trung Quốc ước đạt 7,92 tỷ USD; trong đó Hongkong đăng ký đầu tư đạt 5,44 tỷ USD, Trung Quốc đạt 2,48 tỷ USD, chiếm tới 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 7 tháng năm 2019.

Nếu so với dòng vốn FDI từ Trung Quốc và Hongkong trong cả năm 2017 cũng chỉ là 3,7 tỷ USD; cả năm 2018 là 5,8 tỷ USD cho thấy hiện tượng vốn FDI đăng ký của Hongkong và Trung Quốc đã tăng đột biến.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong số hơn 20 tỷ USD vốn đăng ký đổ vào Việt Nam, các NĐT ngoại phần lớn rót tiền vào các dự án góp vốn, mua cổ phần (đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng mạnh gần 78%). Thực tế đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại cổ phần đã được cảnh báo từ lâu. Hình thức này không nằm ngoài mục đích muốn thôn tính, thâu tóm các DN trong nước, từ đó từng bước làm chủ các lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế, nắm giữ thị trường thương mại, mượn thị trường Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Nói cách khác thị trường Việt Nam được coi là bàn đạp để các DN nước ngoài thâm nhập vào những thị trường khác nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, hoặc tránh thuế.

Dự phòng hệ lụy của đầu tư núp bóng

Tại báo cáo Triển vọng thương mại và dòng vốn đầu tư FDI công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, khi Mỹ đánh thuế gần 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc như công bố mới đây từ Tổng thống Trump, ảnh hưởng sẽ trở nên sâu rộng hơn khi tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng. Đơn cử như các sản phẩm may mặc xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam.

Tại cuộc họp về thống kê kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2019, trước những băn khoăn về tình hình dịch chuyển đầu tư, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê thừa nhận rằng, nguồn vốn tăng đột biến từ Trung Quốc là điểm cần lưu ý đồng thời cho rằng, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào có thể khiến Việt Nam thành "cứ điểm'' để Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu đi Mỹ và các nước châu Âu, né thuế. Điều này có thể khiến Việt Nam vi phạm về quy tắc xuất xứ hàng hóa, có thể bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá hoặc trợ giá.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, Việt Nam đang tiếp nhận vốn từ nhiều nước. Mỗi quốc gia có một hình thức đầu tư riêng. Việt Nam không thể can thiệp được vào tính toán của giới đầu tư ngoại, nhưng Việt Nam có thể lựa chọn để chọn được NĐT chất lượng cao, có cam kết lâu dài, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ kiên quyết từ chối các dự án công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng, các dự án có dấu hiệu “núp bóng” đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. Vấn đề này cũng đã được Bộ KH&ĐT nêu trong Đề án tổng kết nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết và sau đó sẽ có các nghiên cứu, sửa đổi các nội dung liên quan tại Luật Đầu tư.