Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp thiết xây dựng chiến lược kinh tế về gạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đang giữ vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu (XK) gạo, song hạt gạo Việt Nam vẫn yếu thế hơn các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan rất nhiều khi chưa có thương hiệu mang tầm quốc gia.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 22/9.

Sức cạnh tranh thấp

Từ nhiều năm nay, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ là những cường quốc về XK gạo trên thế giới, thậm chí có thời điểm, Việt Nam còn vượt cả hai đối thủ này để tạm chiếm ngôi đầu. Thế nhưng, từ cuối năm 2014 trở lại đây, Thái Lan và Ấn Độ thay nhau đứng đầu, bỏ xa Việt Nam ở vị trí thứ ba.
Sản xuất lúa hàng hóa tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. 	Ảnh: Quang Thiện
Sản xuất lúa hàng hóa tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của ngành lúa gạo Việt Nam đang suy giảm. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4,1 triệu héc ta đất trồng lúa, năm 2014 XK hơn 6,3 triệu tấn gạo với giá trị 2,93 tỷ USD, và 8 tháng năm 2015 XK đạt 4,09 triệu tấn. Ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhận định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng sản xuất lúa gạo của nước ta chủ yếu là quy mô nhỏ, dưới 0,5ha/hộ. Thị trường XK lại tập trung ở phân khúc trung bình và thấp, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng nhỏ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu. Ghi nhận diễn biến trên thị trường cho thấy, giá gạo XK bình quân 7 tháng năm 2015 đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, giá gạo XK của Thái Lan đạt 1.000 USD/tấn, nếu tính cả thuế nhập khẩu và phí vận chuyển thì có giá 10 USD/kg.

Đáng nói là trong khi Thái Lan có bộ giống gạo Jasmine Thái chất lượng cao, Ấn Độ có giống gạo Batisma mang thương hiệu toàn cầu thì hạt gạo Việt Nam vẫn chưa định vị được tên tuổi. Bởi cơ cấu giống lúa của chúng ta đa dạng nhưng thiếu các giống chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận vào thị trường quốc tế. Hiện, cả nước có hơn 200 DN có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường XK còn rất hạn chế.

Chậm thì thua

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với nhiều đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanmar, Pakistan và Mỹ. Thực tế, Việt Nam đã để tuột không ít thị phần XK gạo vào tay các đối thủ mới nổi. Chính vì vậy, giải pháp gia tăng sức mạnh cho hạt gạo Việt không chỉ là vấn đề giá, chất lượng mà còn phải xây dựng thương hiệu toàn cầu. Cách làm chuyên nghiệp của Thái Lan và Ấn Độ nhiều năm nay đã chứng minh rõ điều đó. Theo đó, từ năm 1959, Thái Lan đã chính thức công bố đặt tên loại gạo “Thai Hom Mali”, hay còn gọi là KDML 105 phục vụ chủ lực cho XK. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên ở Đông Nam Á được đăng ký theo chương trình bảo hộ sản phẩm quốc tế. Gạo Jasmine Thái Lan XK đều được đóng bao bì in biểu tượng chính thống do Chính phủ cấp phép. TS Pussadee Posaram - Giám đốc Trung tâm Chiến lược AEC (Phòng Thương mại Thái Lan) cho biết, chính phủ và các tổ chức tư nhân sẽ cùng tham gia xây dựng thương hiệu gạo với mục tiêu là không ngừng thúc đẩy gạo Thái Lan được công nhận trên toàn thế giới. Còn với Ấn Độ, phương châm định vị thị trường cho hạt gạo là "Sản phẩm tốt đằng sau một thương hiệu mạnh".

Rõ ràng, so với Ấn Độ hay Thái Lan, Việt Nam đang thua xa ở chiến lược kinh tế dành cho hạt gạo. Hy vọng đã mở ra khi hồi tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản, với mục tiêu đến năm 2020, 20% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, thương hiệu quốc gia là yếu tố cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị thế và thúc đẩy thương mại trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đây là một việc khó, đòi hỏi phải đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng từ chính sách đến kế hoạch triển khai cụ thể.