Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cắt giảm chi tiêu tại châu Âu: Đặt cược số phận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cắt giảm chi tiêu không còn là thuật ngữ xa lạ khi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu phải oằn mình chống chọi lại cuộc khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, càng ngày "thắt lưng, buộc bụng" càng bộc lộ rõ tầm ảnh hưởng của mình với vai trò là công cụ lãnh đạo chủ yếu của các chính trị gia châu Âu.

Cắt giảm chi tiêu tại châu Âu: Đặt cược số phận - Ảnh 1

Người Tây Ban Nha xuống đường phản đối các biện pháp cắt giảm ngân sách của Chính phủ.

Vượt qua áp lực từ các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn của hàng chục triệu người, Chính phủ Tây Ban Nha hôm 27/9 đã thông qua các biện pháp cắt giảm ngân sách khắc nghiệt nhất trong lịch sử nước này nhằm giảm thâm hụt và tránh nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, bất chấp việc Madrid cắt giảm 40 tỷ Euro chi tiêu ngân sách năm 2013, đóng băng chi tiêu lương khu vực công, nhiều chuyên gia lo ngại phần cắt giảm này có thể không đủ bù đắp chi phí đi vay và buộc Tây Ban Nha phải xin trợ giúp từ bên ngoài. Trên thực tế, Madrid đã chuẩn bị sẵn những kịch bản xấu nhất khi hôm 28/9 đã công bố kết quả kiểm toán đối với 14 ngân hàng chiếm tới 90% thị phần toàn bộ hệ thống tài chính nước này nhằm đưa ra cơ sở để xin cứu trợ. Cũng trong ngày 28/9, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã quyết định đề cử ông Peer Steinbrueck là đại diện của đảng tham gia cuộc chạy đua giành quyền thành lập Chính phủ. SPD tin rằng với những kinh nghiệm có được từ thời còn làm Bộ trưởng Tài chính, ông Steinbrueck sẽ trở thành đối thủ xứng tầm với đương kim Thủ tướng Angela Merkel, đặc biệt trong vấn đề cân đối lại ngân sách.

Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande hôm 28/9 đã phải đưa ra quyết định có thể coi là khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa qua. Theo đó, ông Hollande đã thông báo về chương trình "thắt lưng buộc bụng" trị giá 30 tỷ Euro - kế hoạch cắt giảm lớn nhất của Pháp trong vòng ba thập niên qua. Pháp vốn nổi tiếng là "ngoại lệ" của châu Âu khi lần lượt vượt qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử nhưng lần này có vẻ như ông Hollande đã không thể cưỡng lại được ảnh hưởng từ khủng hoảng khu vực. Kinh tế Pháp gần như không tăng trưởng trong quý II, đánh dấu 9 tháng rơi vào tình trạng trì trệ trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên ngưỡng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Những diễn biến tại châu Âu thời gian qua cho thấy rõ xu hướng giới lãnh đạo khu vực này đang đặt cược số phận chính trị của mình vào các gói cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Antonis Samaras mới tại vị được hơn 3 tháng của Tây Ban Nha, Tổng thống Đảng Xã hội đầu tiên của Pháp Fracois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel - nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới có thể tiếp tục giữ vững được chiếc ghế của mình trước những sóng gió của "bão" nợ công hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.