Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chưa thực chất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo về tình hình hình thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP quý III/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến ngày 27/9, có 16 Bộ, cơ quan và 28 tỉnh, TP gửi báo cáo.

Bộ KH&ĐT đánh giá, nhìn chung các đơn vị đã thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung còn ít, chưa đậm nét. Báo cáo của các Bộ, cơ quan, địa phương thì hầu hết thực hiện đạt mục tiêu, nhưng khi rà soát thấy rằng nhiều nội dung chưa thực chất. Có trường hợp, báo cáo nêu hành động thực thi chung chung, đôi khi chỉ là lặp lại các nội dung yêu cầu của Nghị quyết, kết quả không rõ ràng.

Riêng về cải cách các quy định liên quan điều kiện kinh doanh, hầu hết các Bộ trình dự thảo Nghị định về cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh đúng hạn. "Tuy nhiên, việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu” - đại diện Bộ KH&ĐT nhận định.

“Theo báo cáo của các Bộ thì hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Ví dụ như: Vẫn còn những điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý” - đại diện Bộ KH&ĐT chỉ ra. Ngoài ra, cá biệt một số nội dung thay đổi mang tính hình thức hơn là mục tiêu vì cải cách, vì DN. Bên cạnh đó, rà soát sơ bộ cũng cho thấy các Dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định về điều kiện kinh doanh không bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới, nhưng các Dự thảo Nghị định sửa đổi riêng từng Nghị định thì có bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới.

Về kiểm tra chuyên ngành, Nghị quyết số 19 yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, tuy vậy, hầu hết các Bộ đang thực hiện ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ.

Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo Bộ KH&ĐT, kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu. Do đó để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết, đem lại kết quả toàn diện và đồng bộ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần