Như vậy, câu chuyện vốn tốn nhiều giấy mực liên quan đến bản quyền giải Ngoại hạng Anh đã đi đến hồi kết. Chiến thắng thuộc về K+ và liên minh do Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đã thất bại trong cuộc đấu với gã khổng lồ MP&Silva. Nhưng, đằng sau sự kiện này người ta thấy, đã đến lúc làng truyền hình Việt Nam phải thay đổi tư duy về sở hữu bản quyền.
Phải tuân theo thị trường
Trước sự tăng giá với tốc độ phi mã của giá bản quyền truyền hình, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đã lập một liên minh nhằm tạo ra một cuộc chơi riêng. Họ kiên quyết không chấp nhận độc quyền và mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh cao không quá 20% so với bản hợp đồng cũ. Đây được coi là một thông điệp lý tưởng cho hiện tượng lạm phát giá bản quyền truyền hình. Hơn thế nữa, nó giúp các nhà đài đoàn kết hơn để không trở thành miếng mồi béo bở cho các công ty quốc tế vốn thừa sự lọc lõi.
Việc tạo liên minh giữa các đài truyền hình là cần thiết, nhưng cách tiếp cận đi ngược với quy luật thị trường là điều cần phải xem lại. Một số người cho rằng, các đài truyền hình cần phải liên thủ với nhau nhằm gây áp lực với đơn vị cung cấp bản quyền. Nếu nhà đài không mua, công ty nắm bản quyền sẽ lỗ vốn và mang tiếng với BTC giải Ngoại hạng Anh. Khi ấy, đối tác mà cụ thể ở đây là MP&Silva sẽ phải chịu lỗ để bán bản quyền giá phải chăng.
Trong kinh doanh, phương án bền vững nhất là các bên cùng có lợi. Ai cũng biết, giá bản quyền tăng với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới chứ không chỉ thị trường Việt Nam. Sky Sport đã bỏ ra 4,2 tỷ bảng (khoảng 6,4 tỷ USD) để sở hữu 5/7 gói bản quyền của BTC giải Ngoại hạng giai đoạn 2016 - 2019. Trong khi đó, giá bản quyền giai đoạn 2013 - 2016 chỉ vào khoảng 3,5 tỷ USD. Thế giới phải chấp nhận tăng giá khoảng 100% trong khi các nhà đài tại Việt Nam đi ngược thị trường, chỉ chấp nhận tăng không quá 20% và bắt đối thủ thua để mình thắng nhờ sự lợi thế về phát sóng.
Không có hàng hiệu giá rẻ
Có cảm giác là dư luận tại Việt Nam vẫn chưa chấp nhận thực tế bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao đang là một món hàng hiệu. Mà đã là hàng hiệu thì cái giá không hề rẻ. Thị trường sẽ điều tiết giá của bản quyền truyền hình chứ không cần bất cứ mệnh lệnh hành chính nào được ban ra. Đơn cử như trường hợp của K+, họ phải bỏ số tiền lớn để có được gói bản quyền gồm toàn bộ các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh. Đương nhiên, trước khi chi số tiền lớn, họ phải lên phương án về kinh doanh bởi nếu thị trường không chấp nhận, khách hàng tẩy chay thì K+ sẽ lỗ vốn, thậm chí là phá sản.
Vấn đề đặt ra là đã đến lúc các nhà đài phải phản ứng một cách tích cực với thị trường. Họ phải chấp nhận cuộc chơi như một điều tất yếu chứ không thể sử dụng quyền lực mềm như đang tồn tại với làng thể thao Việt Nam. Ở đó, các giải đấu, các đội bóng coi việc được nhà đài tường thuật là một đặc ân, thậm chí phải tiêu tốn nhiều kinh phí để xuất hiện trên sóng truyền hình. Hệ quả là đến tận bây giờ, sau hơn chục năm làm bóng đá chuyên nghiệp, các đội bóng vẫn mơ về giấc mơ tiền bản quyền một cách tuyệt vọng.
Còn ở sân chơi quốc tế, họ coi sản phẩm của mình là món hàng xa xỉ. Món hàng đó không dành cho tất cả. Chỉ có những người có tiền mới được sử dụng nó và người ta không chấp nhận đại hạ giá gói sản phẩm này theo mong muốn của đối tác. Và đương nhiên, K+ với cách tiếp cận thị trường khác, họ quyết định dấn thân vào cuộc chơi bởi nhìn thấy tiềm năng ở trường. Họ chấp nhận tuân theo thị trường, tìm thấy ở nó cơ hội kinh doanh chứ không lợi dụng ưu thế của mình để đi ngược với xu thế.
Kinhtedothi - K+ là đài truyền hình đầu tiên của Việt Nam có được bản quyền Ngoại hạng Anh mùa giải 2016/2017 đến 2018/2019 |