Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện buồn của làng bóng đá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huấn luyện viên Phạm Minh Đức - Huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn.

Dư luận bóng đá nước nhà đang sôi lên sau hành động chỉ trích lẫn nhau giữa 2 HLV đang tham dự giải U21 Quốc tế. Đằng sau những cuộc tranh cãi không có hồi kết này là câu chuyện buồn của làng bóng đá về việc, ngay cả những ông thầy đang cầm quân cũng cần phải được bổ túc văn hóa ứng xử.

Hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại

Kết thúc trận bán kết U21 Quốc tế, HLV trưởng U21 HAGL Nguyễn Quốc Tuấn đã khiến phòng họp báo sôi lên bởi những chỉ trích vào đồng nghiệp Phạm Minh Đức. Ông Tuấn chỉ trích đồng nghiệp kém cỏi, lựa chọn đấu pháp phòng ngự khi có thể tấn công. Rồi, nhà cầm quân này cũng không ngần ngại đưa chuyện quá khứ của HLV Phạm Minh Đức nhằm miệt thị “người thất bại”. Ông này nói rằng, khi còn chơi bóng, HLV Phạm Minh Đức không biết đá tấn công nên bị HAGL sa thải.
Huấn luyện viên Phạm Minh Đức - Huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn.
Kinhtedothi - Huấn luyện viên Phạm Minh Đức - Huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn.
Đáp lời, HLV Phạm Minh Đức không ngần ngại nói người chỉ trích mình là “khùng”. Thậm chí, nhà cầm quân này cho rằng, khi mình đá ở HAGL, HLV Nguyễn Quốc Tuấn thậm chí còn không được bắt chính trong khung thành. Người thường xuyên bắt chính ở HAGL là thủ môn Võ Văn Hạnh. 

Những cãi vã kiểu “hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại” xuất phát từ việc HLV Phạm Minh Đức thường xuyên chọn phát ngôn gây sốc về U21 Việt Nam và U21 HAGL. Ông Đức thậm chí còn cho rằng, U21 Việt Nam không có điểm yếu và thường xuyên khiến đối thủ nóng mắt bằng những chỉ trích nhắm vào Công Phượng và đồng đội. Vậy nên, khi giành chiến thắng, “chân lý” có trong tay, HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã bốc hỏa, không tiếc lời chỉ trích nhắm vào kẻ bại trận.

Hành động tấn công này và cả pha phản đòn của ông Phạm Minh Đức bỗng chốc trở thành tâm điểm của dư luận chứ không phải là chiến thắng của HAGL. Không loại trừ khả năng, đây mới là dấu ấn lớn nhất của giải đấu chứ không phải là những màn trình diễn trên sân cỏ.

Thầy cũng phải học

Lâu nay, đạo đức sân cỏ luôn là vấn đề khiến dư luận cảm thấy canh cánh. Từ việc ứng xử trên sân cỏ đến ngoài đời luôn có những dấu hiệu bất thường. Thậm chí, bầu Đức còn không thể kiềm chế được mình khi bị phản bội nên thốt lên một câu là “cầu thủ ngày càng vô học”. Rồi, những pha chặt chém đầy ác ý trên sân cỏ khiến V.League bị biến thành sàn đấu võ. 

Đã có lúc, các nhà quản lý, công luận kêu gọi sự giáo dục toàn diện dành cho cầu thủ. Các cầu thủ cần phải được dạy làm người trước khi dạy bóng đá. Rồi, rất nhiều đội bóng đã tính đến việc đưa cầu thủ đi học đại học nhằm nâng cao văn hóa ứng xử trong đời sống bóng đá. Thế nhưng, sau sự cố buồn liên quan đến 2 ông thầy trẻ, người ta nhận ra rằng, không chỉ cầu thủ mà cả những ông thầy của họ cũng cần phải được bổ túc văn hóa ứng xử. Bởi, chẳng thể chấp nhận việc những người đang thực hiện công tác trồng người lại tìm đủ mọi cách để chỉ trích, bôi xấu đồng nghiệp.

Với một lăng kính nhỏ nhen như vậy, làm sao những HLV có thể trở thành tấm gương cho học trò. Chính họ chứ không phải ai khác cần phải được dạy cách phát ngôn, đào tạo lại khả năng ứng xử trong bối cảnh có nhiều áp lực. Có như vậy, nền bóng đá mới thực sự chuyên nghiệp và không có cảnh “gà nhà bôi mặt đá nhau”.