Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên đã có 234 đơn vị, chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh. Thoạt nhìn con số ấy, ai nấy dễ mừng cho chất lượng giáo dục khi điểm chuẩn vào các trường cao hơn hẳn những năm trước. Song, để tâm đến những lao xao trong làng giáo dục mới thấy rõ những điều rất đáng phải suy nghĩ. Bởi không một thí sinh Hà Nội nào “lọt” được vào ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội; các trường top trên thì dư thừa nguồn tuyển, còn các trường top giữa và top dưới lại ngóng thí sinh từng ngày – chuyện chưa từng xảy ra trước đây.
Quả thật, nhìn vào bảng danh sách xét tuyển vào đại học (ĐH) Y Hà Nội năm nay mà giật mình. Thí sinh có thực điểm cao nhất tính đến ngày 11/8 là 29,75 điểm, được 1 điểm ưu tiên thành 30,75 điểm, xếp thứ 9 trong danh sách. Trong khi đó, một thí sinh khác thực điểm được 24,75, nhưng được cộng 6,5 điểm ưu tiên và khuyến khích đủ loại thành 31,25 điểm, “vươn” lên xếp thứ 6 trong danh sách. Rõ là thực điểm không phải là yếu tố quyết định việc đỗ - trượt của thí sinh, thế nên mới có chuyện thí sinh điểm cao vẫn không có cơ hội vào ngành yêu thích của trường mình đã chọn. Thế nên mới lao xao trong dư luận rằng: Cộng điểm ưu tiên là không công bằng. Thậm chí có người còn đề xuất nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên.
Chẳng riêng gì các nhà quản lý giáo dục, mà rất nhiều người hiểu rằng, không đơn giản bỏ được việc cộng điểm ưu tiên, bởi liên quan đến chính sách về việc nâng cao dân trí cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là dân tộc ít người; là liên quan đến chính sách cho những gia đình có công với cách mạng… Tuy nhiên, ưu tiên mà lại để phí mất nguồn nhân lực chất lượng cao thì quả là cũng phải suy nghĩ. Có quá không khi có người nói: “Dễ dãi trong đầu vào theo kiểu ban phát điểm là chúng ta đang xẻo thịt đem bán rẻ nguồn nhân lực cho tương lai. Nên nhớ mục đích của ĐH là đào tạo nhân lực chứ không phải từ thiện”.
Nhiều người đồng tình với quan điểm chấp nhận sự ưu tiên về học phí, về điều kiện sinh hoạt hay chế độ ưu đãi phi kiến thức khác đối với các đối tượng này, nhưng ưu tiên về điểm đầu vào thì cần xem lại. Lại có người cho rằng, đối với những TS ở miền núi và hải đảo đi học ĐH về phục vụ cho địa phương thì áp dụng chính sách đào tạo theo địa chỉ mà trước đây vẫn làm. Chẳng hạn, một ngành có 500 chỉ tiêu, có điểm trúng tuyển 20 thì nhà trường dành 450 chỉ tiêu cho tất cả mọi người, 50 suất dành cho học sinh miền núi và hải đảo. Như vậy, đối với những TS ở miền núi và hải đảo đạt 20 điểm thì cũng vào nhóm 450 chỉ tiêu, còn với những bạn cũng thuộc đối tượng này nhưng dưới mức điểm 20 thì đăng ký vào nhóm 50 suất… Đây có lẽ cũng là những gợi ý để nhà quản lý giáo dục tham khảo.
Mục đích cuối cùng của tuyển sinh là hướng tới chất lượng cho đầu vào ĐH, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có đổi mới thi và tuyển sinh cũng không nằm ngoài mục đích đó. Thế nên trong những bước tiến đổi mới căn bản đó, những người đứng đầu ngành “trồng người” cũng cần có tính toán để không bỏ phí người tài trong những đợt sàng lọc đầu vào ĐH.